myDalat's Blog

Dat Allis Laetitum Allis Temperriem


Bình luận về bài viết này

Đọc ảnh Hà Nội xưa

Mỗi khi xem lại những bức ảnh cũ tôi vẫn luôn tự hỏi “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” như nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng hỏi. Lần này Đọc ảnh Hà Nội xưa cùng nhà sử học Dương Trung Quốc cũng có một cảm xúc tương tự như thế. Xem đầy đủ bộ ảnh tại Album by Aliat Interior in Facebook, cũng là sưu tầm từ blog của KTS Đoàn Đức Thanh. Chỉ xin trích lại một số ảnh và chú thích về phố cổ ở đây.

phohangduong

#1: Phố Hàng Đường

Đường ray tàu điện chôn trên mặt đường rải nhựa cho thấy phố Hàng Đường nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của đô thị. Hàng Đường là cái tên có từ trong ca dao xưa và không bị thay đổi, có chăng thêm cái tên phố Cầu Đông, khi có một chiếc cầu đá bắc ngang con sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch hồi chưa bị lấp chảy dài từ Hàng Lược qua Hàng Cá, dọc Ngõ Gạch ra sông Hồng đoạn cuối Mã Mây.

Cũng vì có cây cầu đó mà không gian cận ảnh của tấm hình này xưa kia chính là Chợ Cầu Đông. Sông lấp rồi, cầu không còn, để khai thông con đường từ Bờ Hồ ra Hàng Đậu – là điểm giao với con đường khá quan trọng từ Cầu Sông Cái đi vào khu Thành cổ – nên chợ Cầu Đông xưa mới dịch chuyển sang một bên đường để lập ra cái chợ to và lấy tên hành tổng là Đồng Xuân.

Về sau này, Hàng Đường có nhiều hàng bánh mứt kẹo có tiếng, đặc biệt sầm uất vào những ngày giáp Tết Trung thu với bánh nướng, bánh dẻo hay Tết Nguyên đán với các loại mứt, kẹo. Ngoài đồ ngọt, nhiều cửa hàng vải vóc, có cả của Ấn kiều cũng tràn từ phía Hàng Đào, Hàng Ngang xuống phố này, cùng nhiều cửa hàng tạp hoá của người Hoa.

Người ta kể rằng trong 2 tháng bị vây hãm trong nội thành, quần nhau với giặc Tây hồi giáp Tết Đinh Hợi (cuối năm 1946 đầu 1947), các chiến sĩ quyết tử Thủ đô sống được là nhờ gạo nếp, đường, nông sản dự trữ làm mứt Tết của những cửa hàng bánh kẹo trong phố.

phothokham
#2: Phố Thợ Khảm – Phố mất tên trên bản đồ Hà Nội ngày nay

Từng có một “phố thợ khảm”, nằm kề cửa ô Tây Long cửa ngõ thông từ khu Đồn Thuỷ mà người Pháp đã chiếm đóng từ năm 1873 đi sâu vào nơi cư trú của dân bản địa quanh Hồ Gươm và kéo tới tận Cửa Nam tức là toàn bộ 3 đường phố: Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi ngày nay.

Cùng với quá trình các khu phố Pháp hình thành dọc theo con đường được mang tên viên Tổng trú sứ Paul Bert, phường thợ khảm cũng dạt dần về phía phố Hàng Khay rồi cùng phải phân tán đi nhiều nơi mở cửa hàng hay làm thuê vì thân phận không đủ sức trụ lại trên những phố ngày càng trở nên có giá trị nhờ sự mở mang các hoạt động thương mại và ưu thế của cư dân người Âu trên tuyến đuờng quan trọng này.

Nghề khảm vốn là một nghề khéo nổi tiếng của người Hà Nội. Sử dụng những dụng cụ chuyên nghiệp người thợ chạm sâu vào gỗ những đường nét hay hình thù trang trí hoa lá, chim muông hoặc các tích truyện rồi dùng cưa cắt nhỏ những phiến vỏ ốc hay trai lấp lánh muôn màu sắc rồi khéo léo “khảm” khít vào các nét khắc, tiếp đó mài chuốt liền mặt với thớ gỗ.

Tuy nhiên như một khảo tả của một người Pháp vào năm 1884 (Bonnetain) thì khi người thợ trở thành kẻ làm thuê cho các chủ hiệu thì chất lượng sản phẩm cũng kém dần vì lợi nhuận và không còn các phường hội cổ truyền biết giữ chữ tín với khách.

Phố Thợ Khảm mất hẳn tên gọi trên bản đồ Hà Nội, nghề khảm có xu hướng trở về với các làng nghề cũ của mình (đông nhất là ở làng Thuận Nghĩa, Phú Xuyên, trước kia thuộc Hà Đông)

phohangchieu
#3: Phố Hàng Chiếu

“Hàng Chiếu” có lẽ là cách định danh đúng hơn cả nếu so với 2 cái tên đã từng có, một do Tây đặt là “Jean Dupuis” và một theo cách gọi của dân là “Phố Mới”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn đã xác định “Phố Đông Hà bán chiếu trơn”. Đông Hà là tên gọi cái cửa ô mà con đường này từ trong phố đi ra sông Hồng, cái cửa ô này dân thường gọi quen hơn là Ô Quan Chưởng. Đúng là thời xa xưa ở đây có bán chiếu cói nên người Pháp cũng từng định danh là “Rue des Nattes en joncs” (Phố chiếu cói).

Là cửa ngõ đi từ sông vào phần “thị” để vào phần” thành” của kinh đô xưa qua Cửa Đông, đủ thấy cái con phố ngắn này quan trọng như thế nào. Vì thế mà tấm ảnh được coi là cổ nhất được Bác sĩ Hocquard chụp để in trong cuốn sách của mình, thấy con phố này giống một đồn luỹ hơn là một khu dân cư hay thương mại.

Và lịch sử đã chứng minh, khi lái buôn thực dân Jean Dupuis (tên Hán- Việt là Đồ Phổ Lỗ) ra Bắc kỳ lấy lý do tìm đường ngược sông Hồng sang Trung Quốc, đã ghé vào cửa Ô Đông Hà, thành Hà Nội giở trò khiêu khích kiếm cớ cho cuộc chinh phục sau này.

Vì thế mà sau khi đã biến Hà Nội thành “đất bảo hộ”, rồi trở thành “nhượng địa”, người Pháp đã đặt tên phố này là “Jean Dupuis” để ghi công cho viên lái buôn-gián điệp này. Nhưng dân thì vẫn quen gọi là “phố Mới”, bởi lẽ khi có giao thương với người Pháp thì đây trở thành nơi cho Hoa kiều hay Pháp kiều đến mở chỗ giao dịch.

Mặt khác, trận cháy phố Đông Hà đúng vào năm nhượng đất cho Pháp lập thành phố (1888) khiến nhà cửa đều mới xây lại không theo kiểu cũ như các phố cổ ở xung quanh.

Phố vừa chạy thẳng ra cửa ô, lại kề chợ Đồng Xuân nên tấp nập người qua lại nhưng không phải chốn để nhà giàu lâp nghiệp. Vì thế, nó vẫn mang tính chất như cửa ngõ xuất hiện nhiều cơ sở dịch vụ hơn là kinh doanh.

Ngày xưa, nói đến phố này là nhắc đến Nhà Vạn Bảo chuyên cầm đồ và cho vay lãi, cũng như nơi tuyển người đi làm vú em, con ở hay mộ phu đi các nhà máy, đồn điền…

Đoạn phố phía ngoài cửa ô còn những cửa hàng lụp xụp bán củ nâu và than củi đưa từ miền ngược về rồi đổ hàng từ bến sông Hồng lên chợ Đồng Xuân.

phohangnon

#4: Phố Hàng Nón

Hàng Nón xưa không dài như bây giờ, chỉ là đoạn giữa Hàng Thiếc và Hàng Điếu chuyên bán các thức đội truyền thống, khung bằng cật tre lợp những loại lá đã được phơi khô gọi chung là nón và nếu nhìn kỹ trong ảnh còn thấy bán cả áo tơi.

Có nhiều loại nón: đàn ông có nón dứa, nón lông, có cái còn gắn chóp bạc, sư sãi có nón tu lờ… Còn với giới nữ thì chiếc nón còn là một thứ trang phục tạo nên nét duyên dáng rất đặc trưng cho giới tính.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và những đổi thay của lối sống đô thị, đàn ông dần ít sử dụng để được thay bằng chiếc ô lục soạn hoặc chấp nhận Âu phục với các loại mũ trên đầu. Tên phố Tây gọi là “Rue des Chapeaux” cho dù tại đây không thấy sản xuất hay bán các thức đội tân thời.

Ở chốn thị thành, chiếc nón quai thao rất đặc trưng cũng mất dần. Chỉ còn chiếc nón hình chóp còn dùng vì công dụng khó thay thế của nó khi phải đi lại ngoài trời.

phohangthiec
#5: Phố Hàng Thiếc (Rue des Ferblantiers)

Một con phố không dài, kiến trúc cổ điển, dân ta gọi là Hàng Thiếc để nói đến một loại vật liệu bằng kim loại thời đó là mới mẻ. Thiếc dùng để đúc một số vật dụng như chân đèn, cây nến, lư hương… những chủ yếu là dùng để hàn ghép các đồ làm bằng kim loại khác. Vì thế Tây gọi phố này là “phố làm hàng sắt Tây” (Rue des Freblamtiers) …

phohangmam
#6: Phố Hàng Mắm (Rue de la Saumure)

Phố Hàng Mắm là cửa ngõ từ các vạn chài từ sông Hồng đem các loại mắm vào qua cửa ô Ưu Nghĩa để vào phố Hàng Bạc và “36 phố phường”.

Có lẽ vì đặc trưng của mắm là vị ngon những hương vị khó chịu nên nó dừng lại thành một phố chuyên bán loại đặc sản này.

Năm 1884, bác sĩ Hocquard mô tả: “Cửa hàng bán mắm, vịt ướp, cá khô treo trên trần nhà. Mùi nước mắm, mắm tôm nồng nặc”; thì 50 năm sau, năm 1934 Bonifaci mô tả: “Phố Hàng Mắm bốc mùi khó chịu, trong nhà bán tôm cá khô.

Tấm bưu ảnh ghi chú là Hàng Mắm nhưng thực ra là đoạn phố cuối hàng Bạc.

Cửa hàng mắm xen lẫn cửa hàng bán vại sành, tiêu sành, bia đá, đá kè chân cột, đá mài, đá bọt… Cửa hàng nào đằng trước cũng treo một lồng chim họa mi”.

Đến nay, người bán mắm chuyển hết vào chợ Hàng Bè (TG: nay thì chợ Hàng Bè không còn), tên phố vẫn còn nhưng vẫn giữ những mặt hàng chế tác từ đá mà chủ yếu là bia mộ, tiểu sành như Bonifaci miêu tả cách đây đã hơn bảy thập kỷ.

phohangkhay
#7: Phố Hàng Khay và dãy hàng hoa

Nối dài phố Paul Bert (Tràng Tiền) sầm uất đoạn qua góc Tây Nam Hồ Gươm đoạn nối với Tràng Thi được gọi là phố Hàng Khay, vốn là đất của hai thôn Thị Vật và Vũ Thạch.

Khay là món đồ gỗ dùng để đặt ấm chén uống trà hay rượu. Nó đẹp nhờ tài khéo của người thợ khảm trai hay ốc lên mặt gỗ. Làng nghề thợ khảm vốn tập trung tại đất bị Tây lấy làm đường Paul Bert tức là phía đầu Tràng Tiền bây giờ, dồn sang đây. Đất trên trục phố chính giá trị cao nên thợ tản về quê chỉ còn một vài cửa hàng, sau cũng mất dần chỉ còn cái tên. Ở đó là các cửa hàng sang trọng của người Tây, một vài nhà buôn Việt Nam hay Ấn Độ cũng mở cửa hàng trên phố này.

Đặc điểm của phố Hàng Khay là chỉ có nhà bên số lẻ vì bên kia đường là Bờ Hồ, Tây quy định không được phép xây nhà phía Hồ. Đoạn đường ngắn này một thời gây ấn tượng là do những quán hoa của các cô gái các làng hoa mạn Tây Hồ ngồi thành dãy bên kia đường, phía hồ. Trước ở đây còn có một vòi phun nước nhỏ.

phohanggai
#8: Phố Hàng Gai

Cái tên một thứ sản phẩm không mấy giá trị mặc dù rất thông dụng là sợi gai được bện làm thừng rồi đan thành võng hay các loại bị… có lẽ là dĩ vãng của một thời xa xưa, cũng vì thế dân gian còn gọi là “Phố Hàng Thừng”.

Quả thật, cái tên gọi ấy không tương xứng với một đoạn đường phố vốn là đất của hai phường Đông Hà và Cổ Vũ thuộc Tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, đi thẳng từ Hồ Gươm qua Hàng Bông vào khu Cửa Nam của Kinh thành xưa mà sau này, người Pháp thiết lập một tuyến đường xe điện đi dọc phố này.

Phố Hàng Gai lại gần ngôi đền thờ việc học (Ngọc Sơn), khiến cho từ lâu phố này gắn với sách vở, giấy bút cho các nho sinh, các cửa hiệu khắc mộc bản và in sách nổi tiếng cho các nho gia qua lại mua hoặc đổi sách nát lấy sách mới.

Vì thế, thời Tây chiếm, Công sứ Bonnal đã chọn một ngôi nhà đẹp ở phố này làm trụ sở xế gần nhà Tổng đốc và nhiều nhân vật trí thức danh giá khác của Hà Thành cư ngụ tại đây.

Chính Hàng Gai chứ không phải Hàng Mã là nơi bán các đồ chơi của trẻ con làm bằng giấy, trong đó có “ông tiến sĩ giấy” nổi tiếng vào dịp Tết Trung Thu.

phohangdong
#9: Phố Hàng Đồng (Rue du Cuivre)

Xưa kia có phố Hàng Chén (Rue des Tasses), về sau bị ngắt ra làm 2, đất thôn Đông Thành (cũ) thành Hàng Bát Sứ; đất thôn Yên Phú (cũ) thành phố Hàng Đồng. Tên gọi như thế có thể vì dân gốc làng Cầu Nôm kéo ra đây làm nghề bán đồ đồng.

phohangdao
#10: Phố Hàng Đào (Rue de la Soie)

Rue de la Soie – tên gọi chính thức bằng tiếng Pháp trong bản đồ hành chính thành phố Hà Nội – đủ để giải thích tên gọi “Hàng Đào”. Đây chính là phố bán các loại vải vóc, tơ lụa mà có lẽ là loại vải màu điều (đào/đỏ).

Nghề nhuộm màu tạo nên loại sản phẩm đặc trưng trở thành tên gọi của một trong những con phố nằm trên trục đường thuộc loại sầm uất nhất của người bản xứ, chạy dọc từ Bờ Hồ cho đến Chợ Đồng Xuân.

Ngôi nhà ngoài cùng bên phải ảnh chính là nhà số 4 nơi cư trú của gia đình cụ Cử Lương Văn Can. Ngôi nhà 2 tầng có lan can màu trắng cách 2 ngôi nhà tiếp theo là nhà số 10 nơi mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

maingoixonghieng
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm…
(Phú Quang)


3 bình luận

Nồng nàn Hà Nội

Đã bốn năm rồi mới lại quay về Hà Nội, có lẽ mình không có duyên với Hà Nội mùa thu nên lần nào ghé Hà Nội cũng là những ngày tháng 8 nóng nực. Đây cũng là lần đầu tiên ngắm bầu trời Hà Nội từ trên không trong một ngày nắng ấm, nhìn những cánh đồng xanh muớt trải dọc theo những con sông chưa biết tên mà thấy nôn nao. Nơi mình ở cũng có những cánh đồng lúa trải dài nhưng mình không cảm nhận đuợc huơng vị quê huơng, chẳng thế mà nguời ta thuờng hay nói “trâu ta ăn cỏ đồng ta. Tuy là cỏ cụt nhưng mà cỏ quê”

Nhìn từ trên mây xuống vùng gần Nội Bài
Photo by Crazy.wolf

Nghìn năm Thăng Long
Photo by Crazy.wolf

Được cô em gái đặt sẵn chỗ một khách sạn nằm ngay trong khu phố cổ Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm ba phút đi bộ – dù khách sạn không có thang máy và khá cũ, nhưng đuợc sống trong lòng 36 phố phuờng rất thú vị. Hà Nội xưa vẫn đó, như một thiếu phụ nửa chừng xuân, lập lờ giữa uớc muốn vuơn mình hiện đại – trẻ trung lại vừa phải cố giữ những giá trị truyền thống – cũ kỹ, nên ở đó có thể tìm thấy rất nhiều hàng quá hiện đại mà bảng hiệu và nhân viên đều có hai ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật…; lại vừa có thể thấy những cô hàng rong quang gánh kẽo kẹt dăm trái na, mấy nải chuối; hay có thể ngồi xuống quán nuớc ven đuờng uống cốc chè xanh, bắn điếu thuốc lào. “Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn,ngồi ăn một quán ven đường, Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ, một ngày xa một cảm giác, lòng chợt nhớ…”

Buổi sáng bình yên giữa lòng phố cổ
Photo by Crazy.wolf

Hồ Gươm có nhiều tiến bộ về mỹ quan, đuờng phố đuợc giữ gìn sạch sẽ rộng rãi, không có hàng rong nên ngồi trên các ghế đá quanh hồ không còn bị quấy rầy. Căn nhà cá mập cũng đã bị biến đổi để không phá vỡ cảnh quan, ngồi nơi đây ngắm làn nuớc màu xanh ngọc, ngắm tháp rùa cô đơn, nhìn những luồng xe đổ ra từ các con phố cổ rồi hòa vào dòng xoáy xe cộ vòng bờ hồ cho mình cảm giác đang đóng vai dấu lặng giữa những xô bồ cuộc sống. “Đưa em đi qua thăng trầm bao tháng năm đã úa màu, gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa hồ Gươm lung linh, ngọt ngào hoa sữa thơm…”

Hồ Guơm ban trưa
Photo by Crazy.wolf

Đêm trăng
Photo by Crazy.wolf

Lần này ra Hà Nội, có cơ hội coi múa rối nuớc. 17 bài hát dân ca bắc bộ, với những mái đình làng biển, chú Tễu hội làng, những câu chuyện đời thuờng chăn vịt, đánh cá, trèo cau… hay truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm, phụng cầu hoàng,… dù lời bài hát nghe lúc đuợc lúc mất nhưng thấy sao mà thân quen, như nguời đi xa tìm thấy lại những kỷ niệm ngày xưa chỉ còn đâu đó trong sách vở.

Rối nuớc: Vinh quy bái tổ
Photo by Crazy.wolf

Rối nuớc: Các nghệ sỹ sau cánh gà
Photo by Crazy.wolf

Rối nuớc: Nhân vật thôn nữ, cung nữ, chú Tễu…
Photo by Crazy.wolf

Hà Nội vẫn là Hà Nội đó, nhưng mỗi lần ghé thăm đều có tâm trạng khác nhau. Mình thích cách dùng từ “atmosphere” trong tiếng Anh để diễn tả không khí của một vùng đất, đặc biệt là khi đặt chân đến những vùng đất lạ, một áp lực mơ hồ áp lên tâm trạng lữ khách, “nguời ta hay đi xa để nhận ra đó không phải là nhà mình”. Còn đây là chùm ảnh chiều hôm Hà Nội, lang thang từ bãi bồi sông Hồng, cầu Long Biên, ngồi uống cà phê hồ Tây và ngắm con đuờng Cổ Ngư xưa…

Bãi bồi sông Hồng
Photo by Crazy.wolf

Cầu Long Biên, thiết kế của tác giả tháp Effel
Photo by Crazy.wolf

Chiều hồ Tây
Photo by Crazy.wolf

Đuờng Cổ Ngư xưa
Photo by Crazy.wolf

Hồ Tây trong đêm
Photo by Crazy.wolf

Gởi lời cảm ơn N.H.P, D.M.K, N.B.T đã cùng tôi rong chơi trong cái nóng đổ lửa mà vẫn nhiệt tình giới thiệu từng quán nuớc. Xin lỗi em N.N.B vì đã hứa ghé thăm nhưng lại thất hứa, giờ lại động viên anh viết bài này. “Cám ơn mặt trời cho tôi một chiều. Cám ơn cuộc đời cho tôi một người. Người bước vào đời trong tim ta im vắng. Chiều bước vào đời cho tim ta chút nắng…”


3 bình luận

Dạ anh đào – Yozakura

Đặc biệt, trong đêm, dưới tán cây anh đào, dường như có một phụ nữ hoang dại mặc áo kimono, mái tóc xõa tung, đang múa may một cách vô cớ. Hình ảnh này thật siêu thực nhưng anh có thể cảm nhận được cô ta. (Asako Kato). Không thể quên được cảm giác ban đêm được nhìn hoa anh đào. Những bông hoa như mộng ảo phiêu phất, không nhìn thấy chi tiết những cánh hoa, nhưng vẫn cảm nhận được sự trở mình của lúc nụ thành hoa hay sự day dứt của cánh hoa đang còn tươi đã quyết định lìa cành để bay bay trong gió, “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket


1 bình luận

Dưới tán hoa anh đào

“Cuộc đời của ta chỉ trong khoảnh khắc, đủ để chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của ánh trăng, của tuyết, của hoa anh đào và lá phong diệp muôn sắc”, nhà thơ Nhật bản Asai Riyoi đã nói thế. Được một lần ngồi dưới tán hoa, cùng những người bạn thân chuyện trò bên dăm cốc rượu nhẹ nhàng. Rồi đến khi ngà ngà say lại hát vang những bản tình ca ngọt ngào, lời ca hòa vào vũ khúc của những cánh hoa xoay xoay trong gió la đà, la đà…

Chung vui cùng các đồng nghiệp FSJ
IMG_0044

Những nhóm nhỏ ngắm hoa
Photobucket

Thưởng hoa có nhiều kiểu, một buổi tiệc nhỏ là phổ biến và vui nhộn nhất. Ngoài ra những tình nguyện viên còn tổ chức những tiết mục múa lân hay diễn kịch kabuki với nhiều màu sắc sống động, rực rỡ.

Múa lân theo kiểu Nhật
Photobucket

Kịch ngoài trời
Photobucket

Nhưng có lẽ thú vị nhất vẫn là từng đôi, từng đôi dưới hoa nhỉ ?
Photobucket

Hay đi bộ dưới những con đường ngập tràn một màu trắng hồng
Photobucket

Nhìn ngắm cảnh đất trời bình yên mà xôn sao sắc xuân
Photobucket

Photobucket


1 bình luận

Hoa anh đào

Hàng trăm gốc lão anh đào được trồng dọc lối đi, tán cây vươn ra cằn cỗi đan xen vào nhau tạo thành một vòm trời màu phớt hồng mềm mại. Nếu đi với một ai đó, có thể tưởng tượng đang bước trên con đường hoa nắng, mỗi cơn gió qua làm những cánh hoa rời cành, xoay xoay và rơi đầy trên tóc, trên áo, trên mỗi bước chân như được các thiên thần rắc hoa trải lối… Còn “nếu anh chỉ đứng một mình dưới tán anh đào, anh sẽ cảm nhận một sự đơn độc sâu sắc và khủng khiếp.” (Asako Kato)

Cũng Asako Kato nhận xét “Hoa anh đào nở rất đẹp nhưng nó đẹp dễ sợ và kỳ lạ như một chuyện hoang đường…

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Dưới tán hoa anh đào

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Thưởng trà và ngắm hoa

Photo by Crazy.wolf

“Chi nghinh nam bắc điểu

Diệp tống viễn lai phong”

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf


4 bình luận

Sakura

Khí hậu đã ấm dần lên từ nhiều tuần trước, nhưng rất đỏng đảnh như một thiếu nữ, mới hôm trước mưa và ấm thì ngày hôm sau lại nắng và lạnh hay ngược lại. Theo cục khí tượng Nhật bản thông báo. Thì hôm nay anh đào bắt đầu nở ở vùng Tokyo và xem như lễ hội ngắm hoa anh đào – Hanami bắt đầu. Mặc dù chưa phải là “mãn khai” ở Tokyo nhưng chiều nay mình cũng bon chen lên công viên Koishikawa Korakuen ngắm hoa. Hanami nguyên gốc có nghĩa là ngắm hoa, nhưng mình cứ lẫn lộn hết cả lên giữa anh đào, mai mơ và đào, cuối cùng thì mình cũng không biết Hanami là ngắm loại hoa nào nữa. Thế nên sau một hồi dùng google và tổng hợp từ wikipedia ta có khái niệm sau:

Chữ hoa trong Hanami ban đầu chỉ chung cả loài anh đào (tiếng Nhật: sakura, Anh: cherry, khoa học: Prunus serrulata) và mai mơ (ume, plum, Prunus mume). Lễ hội Hanami du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ triều đại Nara (710-784) do ảnh hưởng văn hóa của triều Đường (618-907) . Ban đầu hầu như chỉ là ngắm hoa mai mơ, loài hoa này rất được ưa chuộng tại Trung Quốc là biểu tượng của người quân tử (mai, lan, cúc, trúc) thể hiện sức sống mãnh liệt, bất khuất, bất chấp giá lạnh vẫn ra hoa. Sau đấy, dưới triều đại Heian (794-1185), hoa anh đào dần dần thay thế vị trí của mai và sau này từ hoa trong hanami chỉ chỉ đến sakura mà thôi. Hoa anh đào với người Nhật tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng.

Hoa anh đào chỉ nở trong khoảng từ 7 đến 12 ngày kể từ lúc mãn khai (mankai: nở rộ), những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng, vì thế nó cũng là biểu tượng ưa thích của các võ sĩ đạo, sống và chết như hoa anh đào. Những lễ hội hanami được tổ chức khắp nơi vào mùa hoa đào nở. Thanh niên nam nữ tổ chức cắm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Trong khi uống sake, nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn.

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf

Photo by Crazy.wolf


1 bình luận

Touch the spirit of Japan

Đêm hôm trước, mấy anh em đi nhậu, ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, đến tận 12h mới về tới nhà. Làm được 6 cốc bia, cũng tưng tưng, về tới nhà không biết gì. Đến sáng dậy đi vệ sinh, rửa tay bằng nước lạnh, thế là shock, cho chó ăn chè. Thật là mất mặt bầu cua. Vào nằm tiếp đến 11h30 mới lồm cồm bò dậy nổi, coi như kế hoạch đi Universal Studios Japan bỏ xó. Sau đấy mình nghe nói đi Universal Studios một mình rất buồn nên dẹp luôn, không thèm tơ tưởng đến nữa. Hẹn khi nào có hai mình sẽ đi bù

Đi đâu cũng lỡ dỡ, cuối cùng quyết định dạo phố cho đến giao thừa. Con phố đầu tiên ghé thăm là con đường shopping dài nhất nước Nhật có tên Tenjimbashi-Suji. Bước ra khỏi ga Osaka Temmangu là thấy con phố nổi tiếng này. Hai dãy nhà song song nhau, con đường ở giữa được lợp mái che dọc theo 2.6 km chiều dài biến khu phố này thành một khu vực mua sắm sầm uất. Đặc điểm nhận dạng của con đường Tenjibashi-Suji là ở lối vào có tượng của 4 nhân vật (chắc là trong các vở kịch Kabuki) ở hai bên.

Hình: Lối vào khu phố mua sắm Tenjibashi-Suji.

Photo by Crazywolf

Hình: Tượng người trên cổng vào.

Photo by Crazywolf

Đi trên con đường này có cảm giác những cửa hàng nối nhau dài vô tận, cũng đủ thượng vàng hạ cám, từ những Pachinko hào nhoáng (một loại máy đánh bạc của Nhật rất được ưa chuộng) đến những tiệm bán hàng lưu niệm hay quán ăn bình dân, từ những cửa hàng hiệu bán nước hoa Channel No5, thời trang Louis Viston đến cửa hàng 100 yen hay 99 yen. Đi hết 2.6km này ngốn của mình gần 2 tiếng rưỡi, kết quả là một áo khoác dạng măng tô đen – loại thể thao chóng lạnh mà sau đấy ngày nào mình cũng mặc. Và khi mặt vào thì rất giống Ninja, hoành tráng !

Hình: Khu phố Tenjibashi-Suji.

Photo by Crazywolf

Đi hết con đường Tenjibashi-Suji là đến một ga điện ngầm, mỏi rã rời, mình đi bộ quanh ga một chút, xem bản đồ định đi bộ về lại Osaka-Umeda nhưng rồi cảm giác muốn ngồi nghỉ chiến thắng. Mình lên xe điện ngầm về Namba, trung tâm của Osaka. Phải nói là phương tiện di chuyển ở Osaka mắc thật, đi có một mấy ga mà mất những 230, những ga của tuyến JR (công ty xe điện nhà nước) rẻ thì lại ít, không phủ được khắp thành phố.

Từ ga Namba mình tiếp cận một con đường được đánh giá là sống động nhất khu vực Osaka khi đêm về, con đường Doutombori. Một dải những nhà hàng, khách sạn, shop, rạp chiếu phim, Pachinko, hộp đêm, bất cứ thứ gì mà bạn nghĩ ra khi đêm xuống đều có ở đây và nằm san sát nhau. Tác giả của cuốn sách Japan đã ví von: “Đây là nơi học thuyết Darwin được áp dụng đặc biệt cho cả người và cửa hàng – rực rỡ nhất thì sống xót”.

Hình: Doutombori chập choạng tối.

Photo by Crazywolf

Hình: Doutombori thức dậy khi đêm về.

Photo by Crazywolf

Hai loại nhà hàng nổi tiếng nhất khu vực này là những nhà hàng bán thịt cá nóc và cua biển. Mình thì chỉ dám ăn bằng mắt thôi, vì giá cả rất là trên trời. Sau đấy tham gia vào món bánh takoyaki (hà, cám ơn DuongNH nhắc tên món này) – món ăn được ưa thích ở các lễ hội: cục bột nhão nhoẹt bọc lấy miếng bạch tuột giòn giòn, chan thêm tí nước tương, một tí cá khô bào mỏng như vỏ hành, giá rẻ và rất là có hồn dân tộc, keke 🙂

Hình: Một nhà hàng bán cua.

Photo by Crazywolf

Hình: Và tiệm bán món takoyaki.

Photo by Crazywolf

Các cửa hàng đều được trang trí bắt mắt, lạ lẫm. Thật không có phố mua sắm nào lại sinh động và thoải mái như con phố này. Những phong cách rất khác nhau đứng cạnh nhau làm nên nét văn hóa riêng của vùng Osaka, những con người hiền lành và cởi mở.

Hình: Một anh chàng bán kem và món bánh bọc ngoài tự làm.

Photo by Crazywolf

Hình: Cửa hàng con quỷ đỏ/nhỏ (cách chơi chữ của tên cửa hàng).

Photo by Crazywolf

Hình: Nhà hàng Bikkuri Donkey.

Photo by Crazywolf

Hình: Tên món ăn được viết trên đèn lồng.

Photo by Crazywolf

Đi dọc theo con đường Doutombori sẽ bắt gặp cây cầu mang tên thần Ebisu Ebisu-bashi (bashi có nghĩa là cây cầu). Một trong 7 vị thần may mắn theo văn hóa Nhật Bản. Thần Ebisu được xem là vị thần trông coi công việc, đặc biệt là nghề cá, nông nghiệp và thương mại. Vị thần này có hình dáng rất dễ nhận biết: khuôn mặt tròn với nụ cười rạng rỡ và tay thì thường cầm cần câu hay con cá.

Hình: Thần Ebisu được thờ trong một vách tường của cửa hàng.

Photo by Crazywolf

Hình: Hình ảnh thần Ebisu trên nóc một khu thương mại.

Photo by Crazywolf

Hình: Lối rẻ ngang băng qua cầu Ebisu-bashi vào khu thương mại Shin-sai-bashi Suji.

Photo by Crazywolf

Hình: Lãng mạn với cầu Ebisu-bashi.

Photo by Crazywolf
Làm vài vòng Doutombori và tranh thủ chiếm được một cái bàn sát đường trong quán cà phê Starbuck (Đây là nhãn hiệu nổi tiếng và
được mình rất ưa chuộng vì nó luôn chiếm những góc nhìn đẹp nhất trên các con đường và giá phải chăng, đặc biệt là món cheese cake nhiều kỷ niệm), mình ngồi đây ngắm thiên hạ đi chơi mua sắm trong đêm cuối năm, thảnh thơi, an nhàn. Bất cứ khi nào hay ở đâu, lúc nào ngồi uống cà phê mình đều có cảm giác là đang đứng lại và nhìn dòng đời trôi đi…

Đến chín giờ thì mình cuốn gói khỏi Starbuck và lên đường về lại Osaka Umeda để chuẩn bị đón giao thừa trên cao ốc Umeda Sky. Ở ga Osaka mình nhìn thấy chiếc đồng hồ cát lớn nhất mà mình đã từng gặp và thưởng thức một ban nhạc đường phố chơi những ca khúc vui nhộn chào năm mới bằng dàn kèn đồng và trống.

Hình: Chiếc đồng hồ cát ở ga Osaka.

Photo by Crazywolf

Hình: Ban nhạc kèn đường phố.

Photo by Crazywolf

Sau đấy mình leo lên độ cao 173 mét để nhìn ngắm Osaka về đêm. Tòa nhà Umeda Sky Buidling có tổ chức rất chu đáo, mình được xem một chương trình ca nhạc chào mừng năm mới, có cả một nhà hàng và nhiều chỗ ngồi nghỉ để chờ trời sáng. Osaka về đêm lung linh ánh đèn. Sẽ không ai tưởng tượng được rằng đây là thành phố đã từng gần như là bình địa sau thế chiến thứ II. Ngắm Osaka bình minh hay hoàng hôn từ tòa nhà này đều rất đẹp (theo hình quảng cáo), nhưng mình không đủ kiên nhẫn nằm vạ vật chờ ngắm bình minh một mình như thế. Trên sân thượng, có thể ngắm toàn thành phố Osaka, gió lồng lộng và rất lạnh, dù đã gắn máy ảnh trên chân máy nhưng gió vẫn làm cho máy rung bần bật, kết quả là dù chụp rất nhiều nhưng chỉ còn một số ít tấm không nhòe.

Hình: Hướng Đông và những tòa nhà hiện đại.

Photo by Crazywolf

Hình: Hướng Tây nơi xa nhất chính là vịnh Osaka.

Photo by Crazywolf

Hình: Hướng Nam – rực rỡ ánh đèn của khu vực thương mại.

Photo by Crazywolf

Hình: Hướng Bắc – một Osaka hiền hòa với dòng sông và những cây cầu.

Photo by Crazywolf

Những cặp tình nhân càng về khuya càng tập trung nhiều trên cao ốc này để cùng đón giao thừa ở một nơi ấn tượng. Phút giao thừa đến, mọi người cùng đếm ngược và chúc mừng nhau. Tặng nhau những nụ hôn đầu năm dưới cái lạnh cắt da, bầu trời không sao nhưng những ánh đèn thành phố đã như ngàn ngàn sao sáng, lâu lâu, một chuyến xe điện chạy ngang qua cầu như một ánh sao đổi ngôi… Đầu năm mới của mình là thế, sau đó đứng xếp hàng dài chờ thang máy và đi về đến nhà lúc 3 giờ sáng.


Bình luận về bài viết này

Touch the spirit of Japan

“Lững lờ như mây tụ tan” là lời mô tả chính xác cho những đám mây mùa này. Chỉ mới đó thôi, bầu trời còn trong xanh văng vắt, liền sau đó đã có thể là một màu xám xịt của mây, rồi mưa nhỏ giọt, chẳng mấy chốc lại là những cụm mây trắng bay bay…

Mình rời Shitennoji lúc bầu trời xám xịt và đổ mưa, chui vào một cửa hàng bên đường mua mấy vắt cơm nắm, trở ra lại trời đã xanh như chưa có chuyện gì. Đang loay hoay xem bản đồ kiếm đường ra ga thì được một cặp vợ chồng Nhật, ông tầm trên 60 tuổi, bà cũng gần 60 hỏi thăm và dẫn ra tận ga. Hai ông bà nói tiếng Anh lưu loát, có 3 người con đã đi làm, mỗi năm hai ông bà đi du lịch khoảng năm bảy lần, toàn đi châu Âu, châu Mỹ, cũng từng đến Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Sướng thật ! Trước khi từ giã, ông khen mình nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Nhật, kekeke

Tiếp tục hành trình băng ngang vùng nam Osaka, từ Đông sang Tây, đi đến trạm cuối là Osaka Aquarium Kaiyukan. Kaiyukan nằm trên một vùng đất có diện tích khoảng 3900 mét vuông, cao 50 mét, gồm 8 tầng gia cố thép. Kaiyukan được xây dựng với trung tâm là một bể kính lớn chứa đến 5400 tấn nước với chiều sâu 9 mét. Khối lượng kính dùng làm thành bể là 314 tấn chia thành 103 tấm. Tấm kính lớn nhất được sử dụng nặng 10 tấn, cao 5m, rộng 6m và dày 30cm. Những con số kinh khủng.

Hình: Osaka Aquarium Kaiyukan.
Photo by Crazywolf

Hình: Những chú chim cánh cụt vua trình diễn bên ngoài Kaiyukan.
Photo by Crazywolf

Hình: Những chú chim cánh cụt dễ thương bên trong Kaiyukan.
Photo by Crazywolf

Dù vé vào cửa khá mắc, nhưng đây là nơi đáng để xem. Kaiyukan trưng bày những động vật biển của vùng Thái bình dương theo ý tưởng của thuyết Gaia do tiến sĩ James Lovelock chủ trương. Gaia là tên của nữ thần đất – thường được gọi là đất mẹ Gaia trong thần thoại Hy Lạp. Thuyết Gaia giải thích tầm quan trọng của mối liên hệ sâu sắc giữa các sinh vật và môi trường tự nhiên nơi chúng sinh sống. Kaiyuka thu thập sinh vật theo hai vòng đai Ring of FireRing of Life. Ring of fire chính là vành đai núi lửa Thái bình dương và Ring of life chính là hệ sinh vật phong phú dựa trên vành đai lửa.

Chuyến tham quan bắt đầu từ tầng 8 và đi xoáy trôn ốc xuống đến tầng 2. Màu xanh của đèn và nước biển chuyển dần theo độ sâu. Tại đây mình khám phá hầu hết các sinh vật biển nổi tiếng: những chú rái cá biển ngây thơ, những chú hải cẩu và sư tử biển ngơ ngác (đến bây giờ mình mới biết đây là hai loài khác nhau và cách phân biệt chúng), những con chim cánh cụt ngộ nghĩnh, những chú cá heo thích đùa, cá mập trắng sát thủ và đoàn tùy tùng, những cụ đồi mồi chậm rãi, loài cua lớn nhất thế giới… Do lần đầu tiên chụp aquarium, kỹ thuật chụp kém, thời gian ít không cho phép mình ngồi rình những sinh vật biển nhanh nhẹn, nên cuối cùng mình chỉ chụp được bộ sưu tập sứa là ra hồn nhất. Phải gọi là đại dương huyền bí với những màu sắc đẹp đến ngẩn ngơ.

Hình #4
Photo by Crazywolf

Hình #5
Photo by Crazywolf

Hình #6
Photo by Crazywolf

Hình #7
Photo by Crazywolf

Hình #8
Photo by Crazywolf

Hình #9
Photo by Crazywolf

Hình #10
Photo by Crazywolf

Hình #11
Photo by Crazywolf

Hình #12
Photo by Crazywolf

Hình #13
Photo by Crazywolf

Hình #14
Photo by Crazywolf

(Ngày 30/12/2007)

————
Tài liệu tham khảo:
– Brochure của Osaka Aquarium Kaiyukan


Bình luận về bài viết này

Touch the spirit of Japan

Ra khỏi chùa Isshin-ji từ cổng chính, chỉ đi bộ chừng 100 mét là ngôi chùa nổi tiếng Shitenno-ji. Có thể gọi là ngôi chùa mới, vì không có kiến trúc nào là nguyên bản, khối kiến trúc chính mới được trùng tu vào năm 1963. Nhưng cũng có thể nói đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản vì được hoàn thành vào năm 593 bởi hoàng tử Shotoku (574-622 A.D.). Trải qua sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh hàng thiên niên kỷ, ngôi chùa đã bị phá hủy nhiều lần và được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên dáng vóc ban đầu.

Hình: Quần thể chùa Shitennoji.
Photo by Crazywolf

Vị hoàng tử anh hùng Shotoku vào năm 16 tuổi đã chiến thắng các đối thủ của mình và truyền bá Phật giáo cho dân chúng tuân theo. Cuộc chiến diễn ra giữa liên minh Soga do hoàng tử Shotoku đại điện, muốn Nhật bản theo đạo Phật (một tôn giáo mới, đến từ Ấn độ thông qua ngã Trung hoa) đối địch với liên minh đầy quyền lực Monobe, ủng hộ cho những tôn giáo lâu đời của Nhật bản. Truyền thuyết kể rằng, hoàng tử đã nguyện cầu Tứ thiên vương và đã chiến thắng (Tứ thiên vương tiếng Nhật là Shitenno – những chiến binh của Đức Phật, phục vụ cõi trời Đế thích, cai quảng bốn cõi trời xung quanh núi Tu di). Để đánh dấu thắng lợi của mình, hoàng tử đã cho xây ngôi chùa và dâng cúng cho Tứ thiên vương.

Một khối kiến trúc ngoại lệ còn nguyên bản là chiếc cổng đá lớn theo kiểu thần đạo có niên đại 1294 tên Ishino-torii do vị thầy tu Phật giáo Ninsho (1217-1303) dựng ở gần cổng tây của chùa Shitennoji, là biểu tượng của niềm tin vào ngôi chùa. Một bia đá được dựng kèm cổng đá ghi “Đây là nơi Đức Phật thuyết pháp, cánh cổng đá này là cửa ngỏ hướng Đông vào Niết bàn”

Hình: Cánh cổng Ishino-torii.
Photo by Crazywolf

Đi tiếp qua cánh cổng đá hướng về trung tâm là Saidaimon (Cổng lớn hướng Tây) cũng còn có tên là Gokurakumon (Cổng Niết bàn). Khu vực xung quanh cổng đá và cổng lớn từ lâu được xem là nơi những thiện nam tín nữ được tái sinh vào cõi Niết bàn (Gokuraku Jodo). Không biết khi nào mình mới được tái sinh ?

Hình: Cổng lớn Saidaimon hay Gokurakumon.
Photo by Crazywolf

Hai bên trụ cổng Saidaimon là hai bánh xe pháp luân, mọi người thường quay bánh xe này khi đi qua cổng. Tất nhiên là mình cũng quay lấy quay để, dù chẳng biết để làm gì 🙂

Hình: Bánh xe pháp luân trên cổng Gokurakumon.
Photo by Crazywolf

Qua khỏi Cổng đến Niết bàn là khu vực trung tâm có hành lang bao quanh (Garan – gọi tắt là khu trung tâm), kiểu thiết kế này là kiểu mẫu cổ nhất cho những thiết kế chùa chiền ở Nhật bản, được biết đến với tên “Shitennoji shiki garan” (thời đại Asuka, thế kỷ thứ 6 sau công nguyên). Mô hình kiến trúc xếp thẳng hàng Cổng nội (Inner Gate/Chu-mon/Nio-mon), Ngũ trùng tháp, ngôi chùa chính (Kondo) và nơi thuyết pháp, hội họp (Kodo) theo trục bắc nam. Bao bọc xung quanh là những hành lang dài các hướng.

Hình: Cổng nội hướng Tây, bên phải là Ngũ trùng tháp, bên trái là ngôi chùa chính.
Photo by Crazywolf

Một nữa những kiến trúc này đã bị tàn phá nhiều lần do thiên tai và chiến tranh trong cả hàng ngàn năm tồn tại của mình. Phần còn lại cũng hoàn toàn bị phá hủy trong những trận không kích trong thế chiến thứ hai. Nhưng cùng với sự nhẫn nại và kiên trì của đức tin, những công trình này luôn được khôi phục trở lại mà lần sau cùng là vào năm 1963.

Hình: Hành lang dài bao xung quanh nhìn từ bên trong.
Photo by Crazywolf

Hình: Cổng nội và Ngũ trùng tháp nhìn từ bên ngoài.
Photo by Crazywolf

Hai bên cổng trung tâm là hai vị thiên vương, bên trái là Thiên vương Mitsusyaku (màu xanh, hình như là Tăng trưởng thiên vương, Nam thiên vương, cai quản Cưu bàn đồ và những vị thần canh giữ núi rừng, kho tàng); bên phải là Thiên vương Naraen (màu đỏ, hình như là Quảng mục thiên vương, Tây thiên vương, cai quản những Thiên long vương).

Hình: Thiên vương Mitsusyaku.
Photo by Crazywolf

Hình: Thiên vương Naraen.
Photo by Crazywolf

Ngũ trùng tháp, nơi chứa linh vị của các tăng nhân có hình thức những tấm thẻ bài màu vàng có hình dáng của ngũ trùng tháp, bên trên khắc tên của người đã khuất chất đầy suốt năm tầng tháp. Ngũ trùng tháp của Shitennoji là nơi duy nhất cho phép khách du lịch được đi vào trong lên tận đỉnh tháp. Thỏa mãn trí tò mò của mình nhưng thật ra bên trong chẳng có gì đáng xem, từ nay mình đã hết háo hức.

Hình: Ngũ trùng tháp.
Photo by Crazywolf

Ngôi chùa chính thờ tượng hoàng tử Shotoku trong hiện thân của ngài, Guze Kannon, đức phật của niềm hạnh phúc chân thể (Buddha of Infinite Mercy), xung quanh là Tứ thiên vương. Trên tường là những bích họa các truyền thuyết Phật giáo được vẽ bởi danh họa Nakamura Gakuryo.

Hình: Kondo (Ngôi chùa chính).
Photo by Crazywolf

Nơi thuyết pháp (Kondo) là một ngôi nhà dài tạo thành bức tường ở phía bắc. Nơi này thờ tượng Phật Amida Nyorai, tượng Phật 11 đầu và những thánh tích của đức Phật. Trên tường là bích họa màu câu chuyện cuộc đời Phật Thích ca. Nơi đây lần thứ hai mình thấy hình các thiếu nữ bán khỏa thân được dùng trong trang trí Phật giáo: các cung nữ (mình đoán thế) vây quanh đức Phật khi ngài còn là hoàng tử và khi ngài quay về thuyết pháp trong cung. Tiếc là tr
ong tất cả các nơi này đều không cho phép chụp hình.

Hình: Nơi thuyết pháp (Kodo).
Photo by Crazywolf

Phía bắc của khu trung tâm, đối diện với hai hồ sen là một ngôi chùa khác có tên Rokuji-do. Ngôi chùa thờ Yakushi Nyorai, vị Phật chữa bệnh, được cho là do vị thầy tu Daishi Saicho, người sáng lập trường phái Phật giáo Tendai dựng nên. Ngôi chùa có độ tuổi khoảng 400 năm và cũng được xếp hạng là một di sản văn hóa quan trọng của nước Nhật.

Hình: Ngôi chùa Rokuji-do.
Photo by Crazywolf

Ngoài ra là một loạt những ngôi chùa, nhà xung quanh tạo thành quần thể kiến trúc chùa Shitennoji, nếu muốn đi hết những nơi này và ghi chép tường tận có thể phải cần cả vài ngày và có thể viết một tập sách nhỏ (đã có người làm sẵn thế và bán 1500 yen nhưng mình không mua). Cưỡi ngựa xem hoa tí thôi, vì còn một hành trình dài những chùa chiền đền tháp ở phía trước. Chỉ sợ sẽ ngán ngẫm vì chuyến đi toàn những chùa và chùa…

————-
Tổng hợp từ
– Brochue của chùa Shitennoji
– Website http://www.tourism.city.osaka.jp
– Sách Japan của NXB Lonely Planet