myDalat's Blog

Dat Allis Laetitum Allis Temperriem

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh


Bình luận về bài viết này

Dalat năm 1908 (5/5)

Djiring, 1 tháng 4

Tôi ở lại suốt ngày ở đây để chăm sóc những con ngựa mà trong năm ngày đường vừa rồi mệt mỏi và gầy hơn ba mươi ngày từ Vinh đến Phan Rang. Ở đây ít ra cũng có cỏ và thóc nhờ ông Cunhac và ông Bonhotal, thanh tra cảnh binh, một người đã ở Đông Dương từ lâu, biết tiếng Kinh, Mường, một ít tiếng người dân tộc bản địa,…

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh

Cao nguyên Langbian nhìn từ Di Linh

Sự tiếp đãi giống như tại khắp Đông Dương: giản dị, thân thiết. Mọi người đều cảm thấy như ở nhà mình, không làm phiền nhau. Ai cũng đều có công việc riêng, tăng thêm vào bữa ăn số lượng hơn là chất lượng, kể nhiều chuyện không bao giờ viết được. Ông Cunhac và Bonhotal, nhất là ông Cunhac, đã ở từ lâu trên vùng đất này để chứng kiến và biết được những công việc các phái đoàn đã thực hiện trên cao nguyên Lang Biang. Bác sĩ, sĩ quan trắc địa, công chánh, bưu điện, nông nghiệp, lâm nghiệp đã lên Lang Biang từ đây hay Phan Rang, các dự án tiếp tục được soạn thảo tốn không ít kinh phí và nhất là nhiều người đã chết. Họ không hiểu kết thúc rồi sẽ ra sao. Như mọi lần, những người họ tham vấn là những nhân vật tại chỗ đã đi và biết nhiều chuyện.

Tôi tham quan Djiring. Đường không dài, vài chục nhà người Kinh, ba hay bốn người Hoa buôn bán nhỏ trao đổi với người dân tộc bản địa, công chức Pháp. Trung tâm hành chính này tuy có cả đại diện chính quyền và cảnh binh nhưng không bằng một xã nhỏ ở vùng nông thôn nước Pháp. Nhưng ông Cunhac yêu xứ sở này và quyết tâm ở lại.

Gia Bắc, ngày 2 tháng 4

Có thể nói hôm nay là ngày của cọp. Không vùng đất nào ở Nam Trung Kỳ có nhiều cọp như ở đây, người ta báo cho tôi đừng khởi hành quá sớm và nên đến nơi sớm. Những con ngựa được nghỉ ngơi và ăn uống kỹ hôm qua đã vượt chặng đường 45km trong 8 giờ, chỉ dừng chân ở trạm Giăng Ca (Yankar) để ăn. Sau một đoạn đường lên dốc nhẹ nhàng, chúng tôi đến đỉnh núi, nhìn cảnh núi non hùng vĩ,

Rồi xuống dốc, nhiều khu rừng rất đẹp.

Qua khỏi khu rừng thông, chúng tôi gặp những khu rừng hỗn giao. Chúng tôi đi giữa những rặng tre cao nhất tôi chưa từng thấy, cao 20 hay 50m, với những thân cây to bằng chân người. Tàn lá tre phủ bóng xuống mặt đất trên những lối đi đầy cỏ khô.

Trong xứ sở hoang vu này, chúng tôi chỉ tìm thấy được một ít cỏ cho ngựa vào giữa trưa trong một trạm tồi tàn, lá tre khô quá cứng. Buổi chiều, ở Gia Bắc (Yabak), chúng tôi nhận được một ít thóc nhưng không có cỏ. Đã năm giờ, thời gian đi cắt cỏ bị trễ, một hàng rào to lớn bao quanh trạm, đêm đêm người ta nghe tiếng cọp gầm. Hôm nay, tôi đã nhìn thấy trên đường đi hơn một trăm lần phân cọp và dấu chân trên những vùng đất ẩm ướt hay có cát. Tôi không bao giờ tin rằng ở đây có nhiều cọp như thế! Cảnh tượng này luôn ám ảnh tôi.

Bìa sách hướng dẫn săn bắn ở Langbian, 1920

Bìa sách hướng dẫn săn bắn ở Langbian, 1920

Hôm nọ, ngay cả ở Djiring, cọp đã vồ một con ngựa gần bưu điện vào lúc mười giờ sáng, cọp còn trở lại hai hay ba lần trong ngày. Vào lúc ba giờ chiều, cọp còn trở lại và thoát khỏi bốn viên đạn bắn cách xa mười lăm mét. Ông Cunhac nhận xét cọp là chúa sơn lâm, ở vùng này động vật hoang dã nhiều hơn con người.

Không đầy ba tháng đã có chín nhân viên bưu điện bị cọp vồ, khi thư từ không đến, người ta biết chuyện gì đã xảy ra.

Trên đường mòn Canivey, gần Đà Lạt, một người dân tộc thiểu số đã bị cọp vồ giữa ban ngày trong một đoàn 120 người. Trung úy Gauthier dẫn đầu đoàn bị cọp vồ ngay trên lưng ngựa vào lúc 4 giờ 30 chiều. Cọp vồ vào gáy và tha vào rừng. Bốn ngày sau, người ta tìm thấy một chiếc giày, vài mảnh quần áo, một cái sọ người. Ông chưởng ấn Montagne làm việc trong tòa công sứ Nha Trang cũng bị chết như vậy, ngay trên lưng ngựa và giữa ban ngày.

Ở Gia Bắc, từ khi mặt trời lặn, mọi người đều rút vào sau hàng rào tre dày ít nhất sáu mét. Người nấu bếp và người phục vụ rất hoảng sợ, người cận vệ đã cùng tôi vượt núi trong nhiều năm hơi bình tĩnh hơn. Những con ngựa cũng cảm thấy sự hiểm nguy, hí vang lên…

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

Thác Prenn


Bình luận về bài viết này

Dalat năm 1908 (4/5)

Đa Nhim, 30 tháng 3

Sau chuyến đi gian khổ hôm qua, đường hôm nay không gặp khó khăn nào! Con ngựa vẫn còn đi khập khễnh nhưng bước đi không tệ. Trở ngại duy nhất là ngựa vẫn không có gì để ăn.

Ngay sau khi rời khỏi Đà Lạt, lần này, đường mòn rõ nét hơn, bắt đầu xuống một sườn đồi dài quanh co giữa những đồi thông, có những khoảnh rất đẹp gợi nhớ đến những khu rừng ở Pháp. Sau khi xuống dốc khoảng 10km, chúng tôi đến thung lũng Prenn mà chúng tôi đã đến hôm qua nhưng còn ở trên cao. Vài mảnh ruộng gợi nhớ về miền trung du Bắc Kỳ, hình như ruộng đất phải để nghỉ trồng từ 10 đến 15 năm sau thời gian trồng 2 hay 3 năm.

Thác Prenn

Thác Prenn

Những bụi cây và rừng cháy trải dài hàng cây số đến tận Phi Nôm (Phim-Nom), một trạm gác bỏ hoang, điêu tàn, vắng bóng người. Dĩ nhiên, rất hiếm du khách đi trên con đường này. Suốt cả ngày chúng tôi chỉ gặp mười người dân bản địa, một nhóm hai người và một nhóm bốn người đi ngang qua khi chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi. Mọi người đều ở trần, lưng đeo gùi, tay mang giáo mác, cung tên, xà gạc. Họ không đeo vòng đồng ở cổ tay và cổ chân như người dân tộc thiểu số ở Nha Trang nhưng đeo vòng cổ bằng thủy tinh.

Trong bốn người dừng chân dưới lùm cây lớn, tình cờ chúng tôi gặp một người biết nói một số ít tiếng Kinh. Chúng tôi trò chuyện và đề nghị thi bắn cung vào chiếc lá trên cành cây cắm xuống đất. Họ có những chiếc cung nhỏ thông thường – hình như vũ khí của họ mạnh hơn – và họ bắn rất chính xác. Sau khi bắn xong, người dân tộc thiểu số trao cung cho một người phục vụ của tôi bắn thử nhưng đều không trúng đích. Những người khác không dám thử vì sợ gặp điều rủi hay bùa ếm. Tôi đưa một đồng bạc mới, cả tám người dân tộc thiểu số đều cười mặc dầu chúng tôi đều không hiểu nhau.

Giai đoạn kế tiếp là con đường gần như bằng phẳng với những khu rừng thông rất đẹp và những cây rừng khác, những cánh đồng trơ trụi gợi nhớ đến những cánh đồng cỏ ở Bắc Mỹ có rất nhiều đàn nai và bò rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn thấy những con nai và thường thấy những con trâu. Động vật hoang dã vẫn còn nguyên trên vùng này, trong khi ở Nam Kỳ đã giảm dần vì có nhiều thợ săn. Nhiều người nói động vật hoang dã ăn cỏ ngăn cản việc trồng trọt, người dân tộc bản địa có dùng thuốc độc trên những cánh đồng nhưng không làm được gì. Chắc chắn số lượng động vật nhìn thấy khắp nơi là rất nhiều. Từng lúc người ta có cảm tưởng như đang ở giữa những cánh đồng cỏ ở Aubrac vào mùa hè, nhưng cỏ nơi đây rất khác xa cỏ trên đồi núi ở miền Trung nước Pháp.

Chúng tôi phải đi giữa hai dòng sông vì vùng chúng tôi đi qua chiều nay tạo ra một loại cao nguyên. Tôi không có bản đồ và tôi không tin đã có bản đồ vùng này.

Cuối cùng, chúng tôi đi xuống sông Đa Nhim, sườn dốc rất xuôi. Nhưng muốn qua bên kia sông phải dùng đò, ở đây không có một chiếc đò nào và không một bóng người. Trạm ở phía bên kia sông nằm dưới tán cây với mái tranh nhìn rõ từ bên này sông. Tôi gọi đò nhưng vô ích. Tôi và người phục vụ cởi trần bơi qua sông, đàn ngựa bơi theo sau. Đến bờ bên kia, chúng tôi gặp một chiếc bè kết bằng tre. Vài phút sau, chúng tôi đến trạm, gặp vài người dân địa phương. Tại đây những con ngựa vẫn còn gặp khó khăn, không có gì để ăn, không thóc ngô, không có gì cả, rất ít cỏ, một ít lá tre khô và cứng. Tình hình rất đáng lo ngại. Động vật hoang dã sống được vì chúng có cả ngày để ăn, còn tôi thì phải lên đường…

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.


Bình luận về bài viết này

Dalat năm 1908 (3/5)

Đà Lạt, 29 tháng 3

Sáng hôm nay, chúng tôi lên đường, trở lại vài cây số để đi trên con đường đến Djiring như tấm bảng nhỏ đã ghi tôi thấy hôm qua.

Đường bắt đầu trên vùng đất đỏ, chạy giữa rừng thông thường phủ một màu xanh lên các ngọn đồi rồi xuống thấp dần, ít người đi lại, đường bị hư hại, ít được hay không được sửa chữa, cỏ mọc lấn lên đường. Đường chạy ven sườn đồi một thung lũng dài, hoàn toàn hoang vắng. Vài đàn nai đi ngang qua. Phía dưới thung lũng, khắp trên cao nguyên, nai là động vật duy nhất có thể thấy. Chúng tự do đi dạo theo từng đàn nhỏ và trong mùa này tìm cỏ xanh trên những vùng hơi ẩm ướt.

Các phụ nữ dân tộc bản địa Dalat, 1925

Các phụ nữ dân tộc bản địa Dalat, 1925

Đường càng ngày càng bị hư hỏng, hướng xuống thung lũng, vượt qua vài hố sâu. Đất đào đắp vẫn còn nhưng tất cả cây cầu không còn nguyên vẹn, đã gãy, chúng tôi phải đi vòng và vượt qua những dòng suối cạn. Lẽ nào đường đi đến Djiring mãi như thế này?

Trong thung lũng chúng tôi dần dần đến gần dòng sông. Tình hình càng ngày càng đáng lo ngại. Đường đã vắng vẻ, dòng sông càng vắng vẻ và hình như hoàn toàn hoang phế. Từ khi rời khỏi Đà Lạt đến đây, tôi chưa gặp một bóng người. Chúng tôi còn nhìn thấy vài cọc gỗ, thỉnh thoảng một hai tấm ván. Chúng tôi phải lội qua vùng sình lầy và đầm nước nhỏ. Trong cảnh hoang vắng tuyệt đối này, tôi nhớ đến vùng đầm lầy ở Sông Cầu, chúng tôi phải qua một vùng sình lầy dài khoảng 700 đến 800 mét, bùn ngập đến tận yên ngựa, chung quanh là những người Kinh chèo thuyền tam bản hay thuyền thúng.

Cuối cùng, con đường mòn hình như mất hút. Nhìn thấy một chiếc cầu xa xa, tôi cưỡi con ngựa tốt nhất mang dòng máu Ả-rập tiến ra phía trước để khám phá.

Khi ngựa đi qua cầu, một tấm ván gãy dưới chân trước. Con ngựa cố gắng phóng qua bờ bên kia, chiếc cầu gãy hoàn toàn. Hết đường, không thể tiếp tục đi nữa. Tôi dắt ngựa lội qua suối, quay trở lại, đi ngang qua vùng đầm lầy và thung lũng nhỏ, nhìn thấy lại đàn nai vẫn còn gặm cỏ. Sau bốn giờ đi đường vô ích, tôi dắt con ngựa bị thương, đi bộ trở về Đà Lạt, mất toi một ngày đường.

Tôi và những người phục vụ lo chăm sóc con ngựa, xoa bóp, lau vết trầy bằng nước nóng và thuốc sát trùng. Người phục vụ dựng lại lều tạm trong khuôn viên khách sạn vốn còn hoang vắng, người đầu bếp nấu bữa ăn. Chúng tôi đi tìm rất khó khăn thóc, ngô cho ngựa trên vùng đất thiếu mọi thứ, ngay cả cho người. Công việc xong, tôi đi hỏi tìm đường vì dĩ nhiên chúng tôi đã bị lạc đường.

Lỗi do tấm bảng chỉ đường. Ông Champoudry xin lỗi đã không gỡ tấm bảng chỉ đường vì quá ít khách qua lại. Đây là con đường mòn cũ, gọi là Preng, đã bị bỏ hoang từ 4 hay 5 năm nay và được thay thế bằng một con đường khác do Canivey xây dựng. Trong một cuộc đi dạo ngắn, ông Champoudry chỉ cho tôi hướng đi Djiring.

Một người dân bản địa trong buổi sáng Dalat sương mù, 1926

Một người dân bản địa trong buổi sáng Dalat sương mù, 1926

Buổi chiều, chúng tôi đi ngang qua những túp lều của người Kinh và nhìn thấy năm hay sáu người dân bản địa hiếm hoi đến trao đổi hàng hóa. Con ngựa vẫn đi khập khểnh nhưng hình như không nặng lắm. Ngày mai, nó lại mang yên nhưng hàng hóa ít nặng hơn.

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)


Bình luận về bài viết này

Dalat năm 1908 (2/5)

Một làn khói đơn độc vươn lên trước mắt chúng tôi. Khi đến một con đèo nhỏ, chân trời bất chợt mở ra về hướng Đà Lạt, những ngọn đồi đang bốc cháy! Ngọn lửa vừa vượt qua con đường chúng tôi đi và chuyển dần về hướng phải, để lại đằng sau những đám cháy, một vùng đầy tro và thân gỗ đen. Không còn nguy hiểm nữa, tất cả đã bị đốt cháy. Chúng tôi tiếp tục đi, lũ ngựa sợ sức nóng và mùi cây cỏ vì những bụi cây còn bốc cháy ven đường và hơi nóng vẫn còn thổi về hướng chúng tôi. Những người phục vụ đùa giỡn trước cảnh tượng kỳ lạ, mới mẻ này, bù lại cho những cánh đồng cỏ hoang vắng vừa trải qua. Tôi rất buồn nghĩ đến tất cả cỏ cây bị phá hoại, những cây non sắp vươn lên, đất đai giảm phì nhiêu mỗi khi ngọn lửa đi qua, động vật hoang dã bị thiêu rụi.

Sau những khu rừng dài hai hay ba cây số bị đốt thành tro, thân gỗ bốc cháy hay thành than, những đám cháy tiếp tục như những đảo nhỏ, đoàn người đi ngang qua một vùng hơi ẩm ướt đã ngăn chặn được tai họa và tìm lại được những đồi cỏ khô lượn sóng trên cao nguyên, xa xa là bóng dáng những đỉnh núi cao. Thỉnh thoảng đoàn người đi ngang qua những khu rừng thông màu xanh đậm giữa một đại dương cỏ khô vàng mênh mông. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy về phía trái một tấm bảng đóng trên một thân cây mang dòng chữ “Đường đi Djiring”. Sau đó vài cây số là Đà Lạt.

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ 1925-1930)

Đà Lạt! Tám hay mười mái nhà tranh của người Việt, một nhà sàn bằng ván thô sơ dành cho lữ khách, một vòi nước, quảng trường chợ, một nhà bưu điện đơn sơ. Trên một ngọn đồi, sau hàng rào và giữa rặng thông xanh, vài căn nhà gạch của trung tâm hành chánh Đà Lạt, vì chế độ cai trị ở đây thật đặc biệt: có một hội đồng và cả một viên thị trưởng. Ông Champoudry – Thị trưởng Đà Lạt – nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt. Còn cư dân? Vài chục người Việt bị đày, vài khách người Âu đi công tác hay trắc địa, những người thợ săn hay lữ khách hiếm hoi cùng đoàn tùy tùng. Tài nguyên? Gần như không có gì hết; không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả. Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi…

Nguyên Cố vấn Hội đồng thành phố Paris bị thất cử được Doumer đem sang đây và coi như người sáng lập Đà Lạt.

Vốn là dược sĩ chuyên trách về vấn đề vệ sinh thành phố Paris, ông thích thú thiết kế hệ thống thoát nước trong thành phố tương lai dựng lên trên sa mạc này và chờ đợi…

Dalat từ trên cao (ảnh chụp trong khoảng 1925-1930)

Dalat từ trên cao (ảnh chụp trong khoảng 1925-1930)

Trung tâm hành chánh của Đà Lạt không được nới rộng thêm chút nào, vẫn thuộc về tỉnh Phan Rang. Để tránh những sự tranh chấp về quyền hạn, ông Canivey – Đại diện của Công sứ – sống với gia đình và thuộc hạ cách xa 3km, ngoài phạm vi của Champoudry. Nơi đây, ông đích thực là chủ nhân, cai quản một vùng Thượng rộng lớn, để lại cho đối thủ bất hạnh của ông vài chục người Việt thường ra vào trong một làng nhỏ chật hẹp mà họ không dám bước chân ra ngoài.

Một phái đoàn công chánh cũng hiện diện tạm thời ở Đà Lạt gồm có đại úy Lavit – một người thợ săn, các ông Barbot và Vissac. Cả ba người đều đi vắng, tôi không gặp được ai.

Tôi mang đến cho ông Canivey một lá thư gửi từ Phan Rang và ông giữ tôi ở lại ăn cơm tối. Ông là một người ở lâu trên xứ Thượng, đã làm hết trách nhiệm, lúc hòa bình lúc chiến tranh, cố gắng khai hóa người dân bản địa, thỉnh thoảng buộc phải đánh nhau, bị thương nhiều lần trong những cuộc đụng độ nguy hiểm với những mũi tên tẩm thuốc độc, những chiếc cung tự động cài trong đám cỏ phóng ra những mũi dao khi người lạ tìm lối đi, những hầm chông cài trên đường, những trò ma thuật không thể dự kiến được.

Không những là một người am hiểu miền Thượng, ông còn là một tay thiện xạ có lẽ một phần vì ham thích nhưng chắc chắn vì hoàn cảnh bắt buộc.

Ở đây không có thịt nào khác ngoài thịt rừng; về rau, chỉ có vài loại rau do người Thượng mang đến hay những người lính tự trồng trọt. Phải thường xuyên chống lại cọp và beo rất nhiều trong khắp vùng. Chuyện cọp là chuyện thường ngày, không phải là chuyện vui đùa bịa đặt mà là một thực tế đáng lo ngại. Chó, ngựa, nhiều người giúp việc, nhiều người bưu trạm đã bị cọp vồ; nhiều người Âu cũng cùng chung số phận.

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh chụp khoảng 1925-1930)

Dalat nhìn từ trên cao (ảnh chụp khoảng 1925-1930)

Sau khi ăn tối ở đồn cảnh binh, ông Canivey cho bốn người cầm đuốc đưa tôi về vì đường đi rất nguy hiểm từ khi mặt trời lặn. Ông nói với tôi rằng tôi đã lầm khi đến đây một mình.

Những con chó rừng còn nguy hiểm hơn nữa. Đây là một loại chó cao gần bằng cái bàn, ốm nhom nhưng cực kỳ hung dữ. Chúng kéo đi hàng đàn và đuổi theo con mồi không biết mệt. Chúng tấn công cả cọp và thường chiến đấu đến cùng, dù phải bỏ thây vài mạng. Một lần, con chó của đại úy Lavit – một người thợ săn dũng cảm – bị một đàn chó rừng đuổi theo đến tận trại. Chúng chỉ chịu bỏ đi khi tất cả mọi người trong trại vội vàng chạy ra xua đuổi chúng. Tôi đã từng nghe nói về những con chó rừng ở Quy Nhơn, nhưng những con chó rừng ở đây còn dễ sợ hơn.

Tất nhiên, Đà Lạt thiếu những trò giải trí quyến rũ. Ở trong nhà gỗ và ngủ trên giường gỗ không hấp dẫn du khách chút nào! Không có cỏ cho ngựa và cám bán với giá cắt cổ.

Những người phục vụ không quen với khí hậu, tôi lo ngại có người bị bệnh sẽ rất phiền phức vì tôi phải rời Sài Gòn vào ngày 6 hay ngày 8 tháng 4. Tốt nhất là khởi hành vào sáng ngày mai.

— Nguồn: P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Báo Lâm Đồng.

Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)


Bình luận về bài viết này

Dalat năm 1908 (1/5)

Tháng 3 năm 1899, bác sĩ Alexandre Yersin – người có công phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893 tháp tùng Toàn quyền Paul Doumer cưỡi ngựa từ Phan Rang lên cao nguyên Lang Biang để thị sát cao nguyên, dự định thành lập một nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) hiện đại nằm trên đoạn đường xe lửa từ Sài Gòn, xuyên qua rừng núi đến Đà Lạt rồi xuống Quy Nhơn.

Ngày 1-11-1899, Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và hai trạm hành chính ở Tánh Linh (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) và trên cao nguyên Lang Biang.

Năm 1902, Paul Doumer về Pháp. Mặc dầu nhiều phái đoàn tiếp tục lên cao nguyên Lang Biang khảo sát, lập dự án nhưng do đường lên cao nguyên quá khó khăn, thiếu kinh phí, Đà Lạt chưa phát triển trong hơn 10 năm.

Năm 1908, P. Duclaux đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Từ Vinh đến Sài Gòn ông đi mất 42 ngày. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt.

Xin trân trọng giới thiệu ghi chép “Đà Lạt năm 1908” do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh biên dịch về hành trình của Yersin từ Đá Bàn (nay thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) lên Đà Lạt, xuống Djiring (nay là Di Linh), Gia Bắc (nay thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).

Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)

Đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn (ảnh do Yersin chụp vào những năm đầu thế kỷ XX)

Đá Bàn, 27 tháng 3

Thế là tôi đang ở dưới chân núi, chỉ còn leo lên núi.

Ở Đá Bàn, tôi gặp một cánh rừng thưa lớn, một kiểu rừng dưới chân những ngọn núi ngày càng cao bao quanh thung lũng. Đêm dần buông, tôi vừa lòng đã đến nơi, hoàng hôn rất nguy hiểm trong xứ sở đầy cọp này. Ngựa và những người phục vụ đã đến đây trước tôi một giờ. Nhà khách là một kiểu nhà sàn ẩn mình dưới tán cây to đại úy pháo binh Troadec dùng để dựng trại khi khảo sát đường bộ. Từ 10 năm qua, nhiều phái đoàn tiếp tục khảo sát vùng đất này nhưng kế hoạch bị bỏ quên trong tủ hồ sơ.

Troadec về nhà sau một ngày làm việc, chúng tôi làm quen với nhau. Trong vùng đất hoang vu này, sự giao tiếp thật đơn giản. Sau khi tôi tắm xong, một bữa ăn đơn sơ được dọn ra. Chúng tôi trò chuyện rất lâu về vùng đất này và nhiều chuyện khác. Tình cờ cả hai chúng tôi cùng đọc những tác phẩm vừa mới xuất bản, chẳng hạn quyển Con rắn đen của Paul Adam và giây phút đàm luận văn chương trong túp lều gỗ ở một vùng hoang dã, dưới ánh sáng lờ mờ, giữa tiếng ngựa hoảng sợ thật là huyền diệu. Chúng tôi đi ngủ, giường ngủ chỉ là một tấm ván cưa thô sơ, đồ đạc duy nhất trong trạm, nhưng chúng tôi ngủ rất ngon, không cần mùng.

Tuy nhiên, đêm tối thường bị tiếng cọp gầm trong khu vực những người phục vụ và chuồng ngựa khuấy động. Lửa được đốt suốt đêm để đuổi cọp vì vùng đất này cũng như cả Nam Trung Kỳ có rất nhiều cọp. Vừa qua, ở Cù Mông, gần Quy Nhơn, tôi không thể nào bảo những người phục vụ ở trong vòng rào cao đi cắt cỏ ngựa vì đêm xuống, tôi chỉ cho ngựa ăn một ít mía.

Đà Lạt, 28 tháng 3

Đường đi gần 50 ki-lô-mét rất vất vả để đến được độ cao 1.500 mét. Thông thường hành trình gồm hai chặng, với những con ngựa tốt tôi chỉ thực hiện dễ dàng trong một ngày. Chúng tôi khởi hành từ sáng sớm sau khi uống cà phê và ăn cơm buổi sáng. Qua khỏi khu rừng thưa ở Đá Bàn, đường mòn ngoằn ngoèo leo lên khu rừng già hiểm trở. Ngựa chúng tôi tìm thấy lại những con đường mòn vùng Mường hay Mán chúng đã sinh ra vì ngựa chúng tôi đến từ vùng thượng du.

Đoàn người kiên nhẫn leo lên núi. Con đường mòn uốn lượn giữa những thân cây và tảng đá. Thỉnh thoảng từ một khoảng trống nhỏ chúng tôi nhìn thấy khu rừng phía dưới đoàn người vừa mới chậm chạp đi ra, và xa xa những dãy núi màu xanh hòa lẫn với màu xanh của biển cả không nhìn thấy được. Từ mười năm qua, đoàn người khuân vác đã tiếp tục đi trên con đường tiếp tế này, đi trên những chiếc cầu nhỏ và ngang qua những doanh trại bỏ hoang. Đoàn người không ngừng leo núi trong gần bốn giờ đến độ cao khoảng 1.000 mét, rừng cây thưa dần, thông xanh xuất hiện, chân trời quang đãng lộ ra. Những dãy núi tầng tầng lớp lớp trải dài đến vô tận.

Cuối cùng, đoàn người thình lình đến bờ cao nguyên. Con đường dẫn xuống một dòng sông vài nơi rộng đến hàng trăm mét đổ xuống thành thác nước, chảy xa dần về hướng tây và Sài Gòn, quanh co trong thung lũng không sâu trên cao nguyên. Dưới thung lũng nhỏ là Dran, nơi nhân viên công chính dựng trại. Schneider ngạc nhiên nhìn thấy sáu con ngựa lạ diễn qua trước nhà vội chạy theo tôi và giữ tôi lại. Đã đến giờ ăn trưa, tôi vui lòng dừng chân. Những người đơn độc này tiếp chúng tôi với tấm lòng hiếu khách thật chân thành, thân thiện và rộng mở mặc dầu thực phẩm chỉ là những sản phẩm thu được từ săn bắn. Hơn cả đối với người, đây còn là dịp may đối với ngựa được đến một nơi có những con ngựa khác, có thóc, ngô và cỏ để ăn đầy bụng.

Sau trận chiến năm 1901 ở Trung Quốc, pháo binh Pháp trở về nước đã để lại 150 hay 200 con la, đây là thời kỳ nhiều tham vọng chinh phục cao nguyên Lang Biang, khảo sát, tiếp tế,… Nhưng phần lớn con la bị chết vì chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Đây là một trong những thất bại làm chậm trễ rất lâu quyết định cuối cùng.

Ăn xong, tôi siết chặt tay Schneider và tiếp tục lên đường, còn 35 cây số và phải đến trước khi trời tối. Con đò ở ngay cửa doanh trại. Đoàn người tiếp tục leo núi, nhẹ nhàng, thoải mái hơn sáng nay và không khí mát mẻ hơn. Còn 500 mét phải leo núi, không còn rừng rậm nhưng những đồi cỏ khô hay giữa rừng thông, phía dưới là thung lũng, những ngọn đồi nhấp nhô và dãy núi xa.

— P. Duclaux. Dalat de 1908, à cheval dans la nature sauvage. Indochine, Hanoi, 1941, No 40. Nguyễn Hữu Tranh biên dịch. Nguồn Báo Lâm Đồng.


Bình luận về bài viết này

Kamogawa Sea World

Đây là lần đầu tiên vị khách hàng hiền lành, điềm đạm và chu đáo chở chúng tôi đi chơi. Nhân dịp đưa tiễn một cô bạn đồng nghiệp quay về Việt Nam sau một thời gian dài làm việc tại khách hàng, mà chúng tôi gọi đùa là tiễn lên thành phố mần ăn, vì nơi nơi chúng tôi đang ở là một làng quê vắng vẻ và yên bình. Từ làng tôi đi xe hơi đến thành phố Kamogawa mất khoảng 2 giờ, đi ngang qua những khu rừng, những con đèo uốn lượn gợi về những con đường quanh co dẫn về Dalat. Nhưng đích đến của chúng tôi là một bờ biển đẹp như Vũng Tàu chứ không phải một khu phố núi.

Kamogawa Sea World là một trung tâm giải trí ven biển với những khu trình diễn liên tục nhau của nhiều loại cá heo, hải cẩu, công viên biển có nhiều loài thủy sinh phong phú. Nếu bạn đã đến thăm một công viên như thế này, gặp gỡ tiếp xúc với những sinh vật thông minh và dễ thương như thế này, có lẽ bạn sẽ thấy tàn sát, hủy hoại môi trường sống của chúng là một tội ác.

Buổi trình diễn đầu tiên chúng tôi xem là màn trình diễn trí thông minh của những chú cá voi Beluga (cá voi trắng) thông minh đến kinh ngạc chuyên sống ở vùng cực Bắc. Chúng có thể nghe giọng con người, hiểu và nhái lại gần giống. Chúng cũng biết phân biệt một số màu sắc cơ bản: người huấn luyện đưa một hình tam giác màu trắng/vàng cho xem, sau đó chúng có thể chọn giữa hai tam giác màu trắng và màu vàng treo ở phía sau. Thật đáng kinh ngạc!

Kamogawa Sea World

Một trong những điều quyến rũ nhất ở những công viên biển chính là vẻ mềm mại và mong manh của những loài sứa, chúng được chứa trong những bồn nước và chiếu sáng với sắc màu lung linh.
Kamogawa Sea World

Kamogawa Sea World

Kamogawa Sea World

Công viên bố trí hình vòng cung để đưa khách tham quan đi từ vùng nước cạn đến vùng nước sâu, nhưng do chúng tôi lại bắt đầu bằng buổi trình diễn của cá voi trắng nên chiều tham quan lại trở thành chiều ngược lại. Chúng tôi bắt gặp những loài chỉ sống ở vùng nước sâu như cua nhện Nhật Bản và kể cả một giống cua ngộ nghĩnh trông như những cụm san hô.

Kamogawa Sea World

Một trong những điều làm nên nổi tiếng của thế giới nước Kamogawa chính là khả năng huấn luyện thú siêu đẳng ở nơi đây. Tôi đã từng xem sư tử biển trình diễn ở Shinagawa, nếu so ra thì chỉ bằng 2/3 độ khó của thế giới nước Kamogawa. Show trình diễn là câu chuyện sinh hoạt của gia đình của hai vợ chồng sư tử biển và ba đứa con. Sư tử biển chồng rất đường bệ, sư tử biển vợ thì nói nhiều, còn ba sư tử biển con mỗi đứa mỗi tính, có đứa tinh nghịch, có đứa làm biếng, có đứa còn không thèm tập bơi… Và biểu trưng của khu này chính là biểu tượng chú sư tử biển cười, một nụ cười nhìn đến là buồn cười. Chỉ tiếc bất ngờ quá chụp hình không kịp.

Kamogawa Sea World

Cũng ở công viên này, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc gần đến thế những chú cá heo thông minh, dễ thương, tinh nghịch. Thậm chí có thể chạm vào người hay được chúng hôn nữa – tuy nhiên phải trả tiền, một nụ hôn bao giờ cũng phải trả một cái giá nào đó, trên đời không có bữa cơm miễn phí! 😦

Kamogawa Sea World

Cá voi sát thủ (killer whale) hay cá hổ kình, là loài cá voi ăn thịt hung dữ nhất đại dương, theo wikipedia thì chúng có thể ăn thịt sư tử biển, hải cẩu và kể cả cá mập trắng lớn. Nhưng qua bàn tay huấn luyện của con người, chúng lại giống như những loài thú ăn cỏ hiền lành nhất. Cũng chở người đi, cũng tung mình đánh bóng…

Kamogawa Sea World

Kamogawa Sea World

Tiếp theo là một loài động vật có vú sống ở đại dương: hải cẩu. Răng nanh của chúng to bằng cánh tay người thì bạn có thể tưởng tượng một con hải cẩu lớn như thế nào. Nhìn nó giống như một ông già béo mập và chậm chạp. Nhưng khi nó vẫy vùng trong nước thì lại nhanh nhẹn khủng khiếp.

Kamogawa Sea World

Bạn có thể gọi tên đúng của con này: hải cẩu (seals) hay sư tử biển (sea lion)?
Kamogawa Sea World

Trong Đối thoại giữa khoa học và Phật giáo, miêu tả cuộc trò chuyện Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, có một chương có tên là Vũ trụ trong một hạt cát, có đoạn:
“Thuận: (…)William Blake đã diễn tả hết sức ngoạn mục sự toàn nguyên của vũ trụ bằng các vần thơ sau:
Thấy được vũ trụ trong một hạt cát
Và cả một thiên đường trong một bông hoa dại
Nắm lấy cả vũ trụ trong lòng bàn tay
Và cả vĩnh cửu trong một giờ.

Matthieu: Khi nghe các câu thơ của Blake, tôi lại chợt nhớ đến bốn câu kệ của Đức Phật:
Thấy trong một nguyên tử
Và trong mỗi nguyên tử
Toàn thể thế gian
Đó là điều bất khả tư nghì.

Còn đây là điều tôi đã thấy trong những hạt cát:
Kamogawa Sea World

Bạn có cảm giác như bị đông lại khi ngắm hai chú cá này không? Trông chúng như được làm bằng thủy tinh vậy!
Kamogawa Sea World

Bạn nghĩ gì khi nhìn những con tôm này? Tôi chỉ tưởng tượng ra chúng được đặt lên những chiếc dĩa trắng phau, thịt thơm phức – đáng tội, tôi chưa được ăn tôm hùm bao giờ!
Kamogawa Sea World

Tôi chưa bao giờ xem sao biển trong bài hát cùng tên của Phạm Minh Tuấn là một ngôi sao trên trời, tôi cứ thích nó là một chú sao biển hiền lành nằm trầm tư nghe thủy triểu lên xuống theo từng đêm trăng…

Kamogawa Sea World

“Sao biển, ngôi sao biển
Sao nhớ ai vì đâu không nói
Sao thương ai vì đâu không nói
Hãy nói đi, hãy nói đi, hãy nói đi
Nói đi một lời nồng nàn…”

(Kỷ niệm chuyến đi chơi ngày 21/5/2011 với bác Cao cầu, hai em NTNT và LTP.)

Khuyến mãi thêm cái bản đồ đến Kamogawa Sea World
[mappress mapid=”1″]


Bình luận về bài viết này

Dalat những năm 80

Nhớ về một thời nho nhỏ, nơi căn nhà vẫn còn dùng một cái tủ quần áo để ngăn cách phòng khách và phòng ngủ. Tất nhiên mặt tiền của tủ sẽ quay ra phòng khách, còn mặt sau của tủ là một tấm gỗ không được bào nhẵn quay về phòng ngủ, Ba dùng những tờ báo Nhân dân cũ dán lên lưng tủ để che lại (ơn Đảng, mình biết NVL và Những việc cần làm ngay cũng nhờ cái lưng tủ này :-P), và chồng lên trên những khuôn báo Nhân dân cỡ lớn dày đặt chữ, Ba dán đủ thứ hình Dalat, hình hoa kiếm được từ báo chí, bưu thiếp, sổ lịch… Tình yêu Dalat bắt đầu từ những hình ảnh này chăng? Không biết nữa, nhưng tình yêu những bức ảnh thì chắc chắn là từ đây!

Giờ đăng lại những bức ảnh tô màu rất “thô thiển” nhưng cảm giác rất đẹp; những dòng thơ đi kèm rất “sến” nhưng lại cảm giác rất hay. Dalat như một huyền thoại.

 

Xuan Huong Lake

Bình minh dưới ánh sương mờ tỏa
Sưởi nắng thông say ấm nghĩa đời

 

Xuan Huong Lake

Bình minh sương quyện nắng vàng
Ngân nga chuông thánh thông ngàn giăng tơ


Than Tho Lake

Ta muốn hỏi núi rừng Hồ Than Thở
Tên của người ai đặt bởi từ đâu?

 

Than Tho Lake

Ta muốn hỏi núi rừng Hồ Than Thở
Tên của người ai đặt bởi từ đâu?

 

Cam Ly Waterfall

Ai lên thắng cảnh cao nguyên
Đừng quên nhớ ghé thác Prenn hữu tình

 

Prenn Waterfall

Ai lên thắng cảnh cao nguyên
Đừng quên nhớ ghé thác Prenn hữu tình

 

 

 

Linh Son Pagoda

Khách trần ai viếng Linh Sơn Tự
Hồn tục lâng lâng khỏi xứ phiền.

(Kỷ niệm 4 năm ngày đến Nhật)


Bình luận về bài viết này

Hoa anh đào trở lại

Sau một mùa đông lạnh lẽo và tan tóc và mất mát và lo lắng và trăn trở và nhiều nhiều những ảm đạm khác trên nước Nhật, trời đã bắt đầu ấm lên, hoa anh đào đã nở rộ trên khắp vùng Đông Kinh. Sân cỏ vàng úa đã bắt đầu chuyển sang màu xanh tươi mát. Những bông hoa thủy tiên vàng và trắng đã nở nhiều ven vệ đường. Và những đám cây trụi lá đã nhú ra những mầm xanh. Một mùa xuân mới lại về trên đất Nhật.

Đã gần một tháng kể từ ngày Đại địa tai (11/3), cuộc sống dần trở lại với nhịp bình thường. Tuy vẫn còn những dư âm, năm nay, người dân đi ngắm hoa nhưng sẽ không có rượu bia nữa. Một cử chỉ đẹp. Ít ra, đó là sự chia sẻ với rất nhiều người còn đang lang thang nơi những khu tập trung và với hai vạn người mất tích hay đã chết.

Hy vọng mọi chuyện sẽ qua mau! Sẽ lại thấy một nước Nhật mạnh mẽ và tươi đẹp! Sẽ lại thấy những cánh hoa không ưu phiền!

#1
Sakura

#2
Sakura

#3
Sakura

#4
Sakura

#5
Sakura

#6
Sakura

#7
Sakura

#8
Sakura


Bình luận về bài viết này

Nhạc kỷ niệm

Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác nghe nhạc mà giống như đang xem lại một đoạn phim trắng đen về cả một thời quá khứ của mình. Là do mới download xong hai tuyển tập nhạc Việt Nam hải ngoại Asia (khoảng 200 CDs) và Thúy Nga (250 CDs). Từ những cuốn số 1, 2 cách đây mấy chục năm…

Bản nhạc tình đầu tiên mà mình nghe và còn nhớ đến bây giờ là bản “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” do Khánh Ly hát, kể ra thì cũng được 28 năm rồi. Còn nhớ giọng Khánh Ly khàn khàn rè rè phát ra từ chiếc máy Akai thùng tương tự như cái hình bên dưới (model nào thì tất nhiên là không nhớ rồi).

Đó là chiếc máy hát đầu tiên và cũng là ấn tượng nhất trong đời. Chiếc máy do ông anh – mà phải trải qua một cuộc bể dâu gần hai mươi năm sau mới thành anh rể của mình – cho mượn. Chắc là vì để lấy lòng chị mình mà dù lúc đó mới khoảng 4 tuổi mình đã được táy máy gạt gạt mấy cái công tắc On/Off, Play hay tua băng… Dù sao thì cũng là một Happy Ending!

Bẳng đi một thời gian dài kể từ khi ông anh – sau này thành rể chia tay chị và lấy lại chiếc máy hát. Mình chỉ lâu lâu mới được nghe nhạc từ chiếc đài National cũ kỹ mà cứ tối tối ba mình và cả nhà lại len lén nghe đài BBC (phải len lén vì nghe BBC là phạm tội, và hàng xóm quanh nhà thì sẵn sàng tố giác khi họp tổ dân phố). Không nhớ bài nào lắm vì cả nhà chỉ thường hay bàn tán về việc có bao nhiêu thuyền dân tị nạn bị giữ lại Phi Luật Tân hay được cho định cư tại Mỹ… Chỉ còn nhớ ngày đó có một cô nước ngoài tên Ỷ Lan (lấy theo tên nguyên phi Ỷ Lan) có thể nói tiếng Việt rất giỏi, có thể giả giọng Quảng để nói và phân tích câu “Hôm qua qua bảo qua qua mà qua hổng qua. Hôm nay qua bảo hông qua mà qua lại qua.”

Đến năm lớp 7, ông anh lớn trong nhà bắt đầu đi làm và để dành tiền mua được một cái cassette stereo Panasonic second-hand từ Nhật đầu tiên. Và từ đây mở đầu sự nghiệp nghe nhạc hải ngoại chính thức. Bắt đầu và ấn tượng nhất lại cũng chính là giọng hát Khánh Ly với cuốn băng bất hủ Sơn Ca 7 – Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, mà những lời giới thiệu vẫn còn ăn sâu trong đầu (khi nghe Đàm Vĩnh Hưng nhái gần y chang trong lời giới thiệu cho đĩa Dạ khúc cho tình nhân 2 (2008) mà muốn đấm cho một quả vào mồm!). Sau đó là những cái tên nổi tiếng khác, Lệ Thu với Mùa thu chết, Elvis Phương – Vết thù trên lưng ngựa hoang, Ái Vân – Ảo ảnh, Ngọc Lan – Adieu, Kiều Nga – Anh thì không, Vũ Khanh – Niệm khúc cuối…

Có thể là do một thời gian dài không nghe nhạc, đến lúc này một số lớn những bài hát hay – những ca sĩ nổi tiếng tích tụ và rơi xuống đầu làm mình choáng ngợp với âm nhạc Việt Nam. Ngày đó lúc nào mình cũng thích xoắn lấy cái cassette… Được một năm thì những ca sĩ nổi tiếng trên cũng dần bão hòa với mình, và khi đó thì lại một loạt những ca sĩ khác xuất hiện trên đài, ba chàng ngự lâm Tuấn Ngọc – Duy Quang – Đức Huy, Khánh Hà… và cũng bắt đầu phong trào hát nhạc dịch. Ngày đó nghe Don Hồ hát Xa em kỷ niệm cũng khủng hoảng không thua gì sau này “anh Hai” Lam Trường hát Tình thôi xót xa trên Làn sóng xanh. Nhà nhà, người người, nơi nơi, mọi lúc đều Xa em kỷ niệm…

Giữa những năm tháng đó, một sự xuất hiện đình đám của một ca sỹ kiêm nhạc sỹ để lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp nhất: Trịnh Nam Sơn với Niềm nhớ, Quên đi tình yêu cũ, Những buổi chiều vàng… Những bài hát này còn đi theo mình một vài năm sau khi học cấp 3, mỗi lần nhớ về thời đi học thì không thể quên những bài này cùng với một số bài và ca sĩ khác: Bay đi cánh chim biển, Cơn mưa hạ, Lưu Bích, Tô Chấn Phong, Anh Tú…

Khi học phổ thông, âm nhạc được định hướng bởi anh chị của mình. Còn khi vào đại học là sự hội tụ của nhiều luồng âm nhạc khác nhau do một đám bạn mang theo. Một đám bạn thuê chung nhà trọ, trong đó có những 2-3 đứa nhà mở quán cà phê, khối lượng âm nhạc mình nghe trong thời gian đại học nhiều gấp 4-5 lần tổng số nhạc trước đó mình từng nghe. Cùng với khi đó là sự nở rộ của FM99.9, Top ten làn sóng xanh, Tiếng hát truyền hình… Và sự ra đời của định dạng MP3 giúp việc sao chép lậu trở nên dễ dàng. Mình bắt đầu chuyển sang nghe nhạc Việt Nam trong nước, nhạc Anh, nhạc rock… dần dần mình đã không còn lưu ý đến dòng nhạc hải ngoại nữa.

Cho đến hôm nay ngồi nghe lại những bài quen thuộc trong hơn 2500 bài hát theo thứ tự thời gian, nhiều kỷ niệm tưởng đã lãng quên lại sống lại như mới ngày hôm qua. Tự hỏi liệu có nên làm vậy không? Hay hãy để quá khứ ngủ yên?


5 bình luận

Mùa thu Shosenkyo

Một trong những đoạn văn mà tôi nhớ nhất mỗi khi thu về không viết về khung cảnh lãng mạn yêu đương, không có trăn trở số phận chớm thu hay những đại loại như thế… mà là một đoạn văn được học từ cấp một:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…”(*1)

Đấy chính là không khí thu mà tôi đã thưởng thức ở Nhật.

Nagatoro BashiCầu Nagatoro (長潭橋)

Khi những chiếc lá Ngân Hạnh bắt đầu chuyển sang màu xanh vàng là tôi lại náo nức bài hát (mà năm nào cũng hát):
“Đời đang lên ca khúc ca trên đường đi.
Dù gian lao nguy khó nguy có lo gì
Đời còn vui ta cứ đi ta ngại chi
Nào tiến lên hô cùng hô quên sầu bi” (*2)

ShosenkyoĐỉnh núi, rừng cây và con suối

Đầu tiên, năm nay dự định sẽ đi lại một lần nữa Karuizawa, không khí vùng này rất tuyệt. Nhưng sau một hồi đắn đo suy nghĩ và được giới thiệu về Shosenkyo (昇仙峡, Thăng Tiên Hạp) của tỉnh Yamanashi nên thay đổi đích đến.

Bắt đầu từ 4h30 sáng đã phải lò mò dậy chuẩn bị hành trang, 5h00 ra khỏi nhà để bắt chuyến xe điện đầu tiên trong ngày lên ga Shinjuku -Tokyo, sau đó đổi sang tàu tốc hành đi thẳng một lèo đến ga Kofu(甲府駅) – Yamanashi lúc 8h30. Sau đó lại tiếp tục chờ xe bus và mất thêm 30 phút nữa để đến được cửa ngỏ vào khu du lịch Shosenkyo. Những giờ phút chờ chuyển tàu cảm nhận “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…” mà người cũng rưng rưng (hay run run).

ShosenkyoCon đường tình tự năm xưa

Nguyên tuyến du lịch là con đường đi men theo dòng suối chảy qua thung lũng giữa hai dãy núi, ngược lên đến thượng nguồn của nó. Hai bên núi vào mùa thu lá chuyển màu vàng đỏ và cây cối nghiêng nghiêng trên con suối tạo nên cảnh đẹp kinh điển trong các bưu thiếp về mùa thu hay thấy. Lần này được tận mắt chứng kiến và ghi lại khoảnh khắc đó mang lại một cảm giác không thật – hay là chỉ có trong thơ ca.

Shosenkyo

Hai bên vách núi Shosenkyo cây thông mọc rất nhiều và chen vào đó là những tán cây Hồng diệp tươi tốt làm cho màu sắc ở đây vàng pha nhiều sắc xanh (khác các nơi khác như Nikko, Karuizawa là vàng và nâu đỏ)

ShosenkyoRừng thông và momiji

Con suối tính từ đoạn cửa ngõ khu du lịch đến đầu nguồn dài khoản 7km. Tôi vừa đi vừa chụp ảnh nên tốc độ khá chậm, chỉ ngang với những ông bà lão đến đây du lịch. Và cũng do đó mà chứng kiến (hay chính xác là nghe lén) hai vợ chồng già thú vị. Hai ông bà đi mệt thở không ra hơi, nhưng cả hai vẫn tay trong tay, mỗi khi thấy một điều thú vị, ông lại giải thích say mê cho bà, còn bà thì nghe rất chăm chú (mà tôi đoán chắc 100% là cho dù ông không nói thì bà cũng biết – vì tôi nghe lóm thấy rất đơn giản như vì sao lại có những rãnh nước trên vách núi…). Không hiểu có ai sau này làm được điều đó không?

ShosenkyoMột điểm nghỉ chân

Dọc theo con suối, mỗi một tảng đá lớn đều được đặt tên và lâu lâu lại có một cây cầu bắc ngang qua suối để vào khu rừng bờ đối điện.

ShosenkyoCầu nhỏ ngang qua suối

Ở một ngã rẽ bắt gặp một sự phối màu rực rỡ, trông như màu sắc của những cánh chim thiên đường. Màu sắc luôn là một bí ẩn, bạn có bao giờ tự hỏi vì sao khi mùa đông đến, Hồng Diệp lại đổi sang sắc đỏ còn Ngân Hạnh lại là sắc vàng?

ShosenkyoHồng Diệp và Ngân Hạnh

Kakuenpo(覚円峰), đỉnh núi đá cao nhất vùng nhìn từ chân núi, tương truyền đỉnh núi là nơi thầy tu Kukuen thiền định.

KakuenpoĐỉnh Kakuenpo

Những tàn cây lá đỏ như một bó đuốc đang cố cháy hết mình cho mùa thu.

ShosenkyoMomiji

Đi trong rừng dưới cái nắng vàng óng của buổi chiều hắt lên tầng lá đỏ có cảm giác như mình đang an nhiên đi ngang một biển lửa.

ShosenkyoMomiji

Vòng qua chân núi là đến cửa đá – Ishimon(石門). Nhìn như hai tảng đá chồng khít lên nhau nhưng thực sự giữa hai tảng đá có một khe nhỏ rộng cỡ gang tay.

IshimonCửa đá (Ishimon)

Kế tiếp là thác nước Sengataki(仙娥滝), nếu có thể ở lại đến tối, khi màn đêm xuống, cả thác nước sẽ được chiếu sáng bằng đèn lung linh (đấy là nhìn qua poster quảng cáo, chứ chuyến bus cuối cùng là 17h30 nên không kịp xem)

ShosenkyoThác Sengataki

Lên khỏi thác là một thị trấn nhỏ chuyên phục vụ du lịch. Có một số nhà hàng, quán ăn, đặc biệt nhiều là các cửa hàng bán đồ lưu niệm làm từ đá. Người ta tìm thấy ở đây một lượng lớn đá quý các loại, các loại hóa thạch động vật như ốc biển (có con to đến hơn 30cm), cá hóa thạch…

ShosenkyoThị trấn nhỏ

Những viên đá nhỏ xinh này đều là sản phẩm thu được dưới nền đất sét của Shosenkyo. Sau đó được đãi sạch và bán từng cốc để làm lưu niệm. Cũng có những sản phẩm làm từ đá cao cấp mà giá tiền cũng trên trời, tính theo trọng lượng và chất lượng của phiến đá.

ShosenkyoĐá quý

Từ thị trấn, tiếp tục leo thêm khoảng 2km đường đèo nữa là đến đập Arakawa (荒川ダム). Con đập được xây dựng để dự trữ một khối lượng nước khoảng 11 triệu tấn. Khung cảnh rộng, tĩnh lặng và vì hơi ngược đường nên cũng ít người viếng thăm. Đây cũng xem như là đầu nguồn của dòng suối phía dưới thung lũng.

Arakawa DamĐập Arakawa (Arakawa dam)

Buổi chiều một mình trong khung cảnh này, nhớ đến đoạn trích đọc được trên FB:

“Thời gian thích hợp gặp một người thích hợp là một hạnh phúc.
Thời gian thích hợp gặp một người không thích hợp là một sai lầm.
Thời gian không thích hợp gặp một người không thích hợp là một viễn vông.
Thời gian không thích hợp gặp một người thích hợp là một nuối tiếc.”(*3)

Thời gian thích hợp không gặp người nào là sự tự do tuyệt đối, hay còn gọi khác đi là…

Arakawa DamĐập Arakawa (Arakawa dam)

[mappress mapid=”2″]

———–
(*1) Trích Tôi đi học, Thanh Tịnh
(*2) Bài hát sinh hoạt trại
(*3) Trích từ status FB của L.N.T.H.