myDalat's Blog

Dat Allis Laetitum Allis Temperriem


Bình luận về bài viết này

‘First to Do It’ vs. ‘First to Do It Right’

Trong một buổi phỏng vấn, CEO của Apple – Steve Jobs đã phát biểu rằng, Apple không phải là người đầu tiên ra mắt một tính năng mới, nhưng họ là người đầu tiên cho ra đời tính năng đó tốt nhất. Ông nhắc lại với mọi người về tính năng “cắt – dán” như một minh chứng cho mệnh đề trên. Trong hai năm liền, mọi người đều than phiền rằng Apple không hỗ trợ tính năng “cắt dán” đơn giản này. Apple có thể làm tính năng này sớm? Tất nhiên, nhưng có lẽ chỉ là tính năng nửa vời như đa phần các dòng máy khác! Thật đáng buồn khi so sánh với tính năng “cắt dán” của Apple hiện nay. (MG Siegler, TechCrunch) (*)

Một ví dụ khác là camera ở mặt trước của điện thoại (front-facing camera) cho phép gọi điện thoại video trên iPhone 4. Đó là một sự khác biệt lớn giữa Apple và HTC. Apple không cho ra một tính năng chỉ để cho có, họ cố gắng hoàn thiện cả phần cứng để người sử dụng có thể tận hưởng chúng (daringfireball.net)

HTC Evo có camera mặt trước để thực hiện điện thoại video thông qua ứng dụng Qik và Fring. Hãy nghe David Pogue nói về thiết bị này: sau hai ngày hì hục download, gỡ bõ ứng dụng với nhiều công sức để thoát khỏi chương trình và chờ máy chủ nâng cấp, tôi cũng thực hiện được một cuộc gọi video ngắn. Đôi lúc chỉ có âm thanh và một màn hình đen, đôi lúc là những khung hình đứng, tốt nhất là trong trường hợp hình ảnh là những khối to và âm thanh bị méo mó. Để thực hiện một cuộc gọi với hình ảnh, phải tải về Fring hoặc Qik. Nhưng tôi chưa làm cho Fring chạy được, còn Qik thì yêu cầu phải ấn nút Talk khi muốn nói. Tất cả quá rối ren phức tạp, quá “hên xui” (iffy)!

Giả sử, cho một ai đó “bình thường” (không phải là dân rành kỹ thuật) hai điện thoại iPhone 4 và HTC Evos và yêu cầu họ gọi điện thoại video. Bằng iPhone 4, họ dễ dàng thực hiện với FaceTime – ứng dụng gọi điện thoại video của iPhone. FaceTime rất dễ sử dụng mà không cần đến một tài khoản FaceTime nào, không cần phải đăng nhập hay cài đặt một ứng dụng thứ ba. Chỉ đơn giản bạn biết là iPhone 4 có thể gọi điện thoại video được, tính năng đó tên là FaceTime. Có một điều có thể gây nhầm lẫn là FaceTime chỉ thực hiện được khi kết nối WiFi (hy vọng mọi người phân biệt được sóng WiFi và 3G).

Có bao nhiêu người biết đến sự tồn tại của Fring và Qik? Những người sử dụng Android có sẵn sàng cài đặt các ứng dụng này để có thể thực hiện một cuộc điện thoại giữa hai máy? Điều này không phải là lỗi của Qik hay Fring. Cũng không phải là Android không có những tính năng ‘First to Do It Right’. Nhưng trên hết là ý thức của công ty chế tạo điện thoại. Bạn muốn cho ra đời một tính năng nửa vời hay một tính năng hoàn chỉnh? Apple đã không có camera mặt trước cho đến khi họ có một phần mềm đảm bảo tính năng đó hoạt động tốt theo cách của iPhone. Trong khi HTC lại cho ra một điện thoại có camera mặt trước và buông lơi hoạt động của chúng (và cả người dùng) vào tay của những nhà phát triển khác.

Người sử dụng Android và iPhone đọc đến những dòng này sẽ có ý kiến khác nhau. Người sử dụng Android sẽ thốt lên “Chính xác, hãy cung cấp cho tôi phần cứng rồi những nhà phát triển sẽ hình dung ra phần còn lại”, còn người sử dụng iPhone sẽ bảo, “Tôi phải mua ngay một chiếc iPhone 4”!

—————-
Lược dịch bài của tác giả John Gruber
(*) Lưu ý là khi bất cứ ai có một giải pháp tốt dù lớn hay nhỏ, họ đều có quyền đăng ký bản quyền. Và những ai dùng lại ý tưởng này đều phải trả tiền bản quyền cho người phát minh. Một ví dụ rất nổi tiếng chính là thao tác multi-touch nổi tiếng của Apple trên các màn hình cảm ứng. (Crazywolfdl)


Bình luận về bài viết này

Tránh làm nhiều việc cùng lúc

Tác giả Peter Bregman của trang Havard Business Reviewbài viết để khuyến khích mọi người cố gắng giảm thiểu “đa nhiệm” trong hoạt động hàng ngày.

Đa nhiệm, hiểu theo thuật ngữ máy tính là một hệ thống (như Windows) cho phép người dùng chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, ví dụ vừa xem phim vừa chat. Ở các máy tính thông thường, CPU chỉ có thể thực hiện một đoạn mã tại một thời điểm, do đó CPU phải thực thi 1 vài dòng mã của chương trình chat rồi lại quay qua chương trình xem phim rồi quay trở lại chương trình chat… Việc luân phiên này cần một thuật toán khá phức tạp và dễ gây lỗi nên cho đến giờ vẫn chưa được Apple hiện thực hóa trên bảng chính thức của hệ điều hành dành cho iPhone, iPad.

Quay lại con người, thực sự thì một lúc mình cũng chỉ làm được một việc mà thôi, và cũng tương tự như máy tính, để “đa nhiệm”, mình cố gắng làm mỗi thứ một chút xoay vòng vòng… Như mọi người thường làm nhất, chính là làm việc riêng: trong một buổi họp, bạn cố tranh thủ vừa nghe ban giám đốc phát biểu vừa soạn một email trả lời cho khách hàng. A lê hấp, bạn gởi email và phát hiện ra là quên file đính kèm, bạn quay lại cố suy nghĩ để viết email xin lỗi và đính kèm file. Xong, bạn phát hiện ra là giám đốc đang chờ bạn trả lời một câu liên quan đến công việc của bạn mà bạn đã bỏ qua mất câu hỏi! Đấy chính là ”đa nhiệm”!

Một nghiên cứu chứng minh là những ai bị sao lãng bởi email hay điện thoại sẽ bị giảm 10 điểm IQ. Điều này tương đương với ảnh hưởng của một đêm mất ngủ hay gấp hai lần tác hại của việc hút cần sa.

Làm nhiều việc cùng lúc, chúng ta tưởng rằng sẽ có nhiều hơn nữa công việc được hoàn thành. Nhưng thực chất, chúng ta bị giảm đi đến 40% năng suất khi làm đa nhiệm. Một nghiên cứu khác chứng minh một người luôn “đa nhiệm” sẽ không lành nghề bằng một người lâu lâu mới “đa nhiệm.” Nói cách khác, chúng ta càng cố làm nhiều việc cùng lúc, chúng ta lại càng nhận được kết quả không mong muốn.

Tác giả đã thử bắt mình trở thành “đơn nhiệm”, khi nào nói chuyện điện thoại, chỉ tập trung vào nói chuyện điện thoại, khi nào viết email chỉ chuyên viết email và khi nào họp thì chỉ tập trung vào nội dung buổi họp. Và tác giả đã nhận ra 6 điều sau:

  1. Mọi việc trở nên thú vị hơn. Do tập trung vào một việc. Bạn có thể nhận ra nhiều điều thú vị mà bạn có thể đã bỏ qua.
  2. Có một bước tiến dài trong quá trình thực hiện một dự án đầy thử thách. Cũng do đầu tư suy nghĩ vào chỉ một dự án, nên sẽ có nhiều sáng kiến nảy ra trong đầu.
  3. Giảm rất nhiều căng thẳng.một bài viết đã nói rằng đa nhiệm không chỉ làm giảm năng suất mà còn làm tăng stress.
  4. Mất kiên nhẫn đối với những việc làm mất thời gian vô ích. Vì đã nhất quyết không làm điều gì khác nên sẽ rất nhanh chán đối với những công việc vô bổ như tham gia một buổi họp dài lê thê không đi đến được kết luận.
  5. Nhẫn nại một cách đáng ngạc nhiên cho những điều thú vị. Không còn bị sao lãng bởi những công việc khác nên bạn sẽ tập trung cho những điều thú vị đến cùng.
  6. Đơn nhiệm không có mặt trái. Không có dự án nào không hoàn thành vì đơn nhiệm, không có những sai lầm đáng tiếc như gởi email thiếu tập tin đính kèm.

Thế vì sao đơn nhiệm tốt như thế nhưng chúng ta không cưỡng lại được cám dỗ của việc đa nhiệm? Tác giả cho rằng có thể do não bộ của chúng ta xử lý nhanh hơn là diễn tiến ngoài đời. Chúng ta có thể nghe và hiểu thông tin nhanh hơn là người nói nói ra. Do đó chúng ta tự hỏi tại sao mình không vừa nghe điện thoại vừa đặt vé cho một chuyến du lịch!

Để cưỡng lại “đa nhiệm”, tác giả khuyên chúng ta nên luyện tập những điều sau:

Đầu tiên, rất rõ ràng, để tránh bị ngắt ngang thì nên tắt những thứ quấy rầy đi. Khi đã quyết định tập trung viết làm thì nên tắt internet đi, nếu không thì bạn sẽ vừa làm bài vừa lướt web. Cũng như khi đang lái xe thì rời xa cái điện thoại, có thể bạn đang đùa giỡn với tính mạng mình và người khác đó.

Thứ hai, là hãy đặt ra những thời hạn (deadline) gắt gao hơn. Không có gì thúc đẩy công việc chạy nhanh bằng deadline. Thay vì phải làm nhiều việc cùng lúc và chấp nhận thời gian hoàn thành dài, bạn cố hoàn thành từng việc dứt điểm trong khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều.

Và cuối cùng, bạn cũng phải chấp nhận là bạn không hoàn hảo nên cũng đừng cứng nhắc quá mà không mở cho nhóc nhỏ một cửa sổ xem phim hoạt hình trong khi bạn đang viết blog nhé!

————
Phỏng dịch từ Havard Business Review, tác giả Peter Bregman.


Bình luận về bài viết này

Nghệ thuật thương thuyết: Tâm lý chiến

(TBKTSG) – Một trong những vũ khí có thể làm cho một cuộc thương thuyết đang nghiêng ngửa phải thay đổi cục diện là yếu tố tâm lý.

Chẳng hạn, nếu chủ đầu tư dự án “mê tít” các sản phẩm của bạn, công ty đối thủ bắt đầu chán nản trong cuộc thương thuyết, hay chủ dự án tỏ ra e ngại một điều gì đó nơi phương án của các công ty đối thủ, thì bạn đã đi gần tới mục đích thắng thế và cầm chắc trong tay một yếu tố để lạc quan!

Cũng như trong các ván cờ tướng, cờ vua, địch thủ mà bị chạm vào tâm lý rồi thì khó mà quẫy ngược lại được.

Ngay trong những trò chơi hoặc các bộ môn thể thao, như quần vợt, bóng đá, nhất là điền kinh hoặc golf, tâm lý đóng một vai trò then chốt. Các huấn luyện viên, trước khi cho cầu thủ ra sân, chỉ mong sao tiêm vào đầu của cầu thủ ý nghĩ là họ sẽ thắng! Trong môn nhảy cao hoặc nhảy sào, vận động viên phải suy nghĩ tích cực, tin chắc mình sẽ vượt qua mức xà nào đó, bằng không thì nhảy sẽ vô ích!

Không chỉ có con người mới phải suy nghĩ tích cực. Những cuộc đá gà là gì nếu không phải một trò chơi tâm lý: có những con gà đá to xác vừa nhảy vào chiến trường đã chạy như… vịt. Chung quy chỉ vì vừa thấy con gà địch thủ đã sợ. Con gà toát mồ hôi sợ hãi là một con gà sắp thua! Lớn, nhỏ hẳn không phải là yếu tố quyết định. Cái ý chí khao khát triệt hạ đối thủ mới là yếu tố quyết định.

Trở về cuộc đàm phán, thế nào là đánh vào tâm lý? Nên dùng chiến thuật nào, kỹ thuật nào?

Thứ nhất là gây lòng tin với khách hàng về công ty và sản phẩm của mình.

Năm 1988, tôi phải đi Ai Cập để thương thuyết một dự án nhà máy điện. Hồi đó Alstom là một công ty đang ở thế “thiếu cơm áo” nên nhất thiết phải lấy cho bằng được hợp đồng. Địch thủ toàn là “đấu thủ quốc tế hạng nặng” như General Electric, Brown Boveri, Siemens, Mitsubishi… Cũng may hình ảnh của Alstom về công nghệ điện lực còn rất cao. Tôi lợi dụng luôn hình ảnh tốt đẹp đó để “đóng đinh vào cột”.

Vào ngày đầu của cuộc thương thuyết, tôi xin phép có lời tuyên bố mở màn như sau: “Công nghệ mà các bạn muốn mua hiện thời chỉ có bốn công ty trên thế giới có thể cung cấp, trong đó chỉ có công nghệ Alstom được hưởng ứng nhiều nhất. Công nghệ của Đức thì có nhà máy mới bị nổ tại Phần Lan, công nghệ của Nhật thì mới được một số nước sử dụng, e không thể đặt hết lòng tin vì số máy chạy còn ít, riêng Hoa Kỳ thì tiêu chuẩn không phù hợp với hệ thống điện của quý quốc. Trong khi đó Alstom đã tiến sang thời kỳ thứ hai của công nghệ turbin mới, trong khi các nước kia còn ở thời kỳ sơ khởi, còn học tập kinh nghiệm…”.

Tất nhiên, ai mà chẳng nói được như thế! Nhưng tôi đã tiêm nọc độc vào phía khách hàng. Bạn đừng quên họ là một tập thể chứ không phải một cá nhân mua hàng. Họ sẽ phải học tập, bàn tán với nhau về những lời lẽ của tôi. Nọc độc nằm ở chỗ “nhà máy của Đức bị nổ, và Nhật thì tập tễnh (tức cũng có khả năng nổ!)”. Nọc độc này là một loại nọc tâm lý. Từ đó, cùng với nỗ lực chiều chuộng khách hàng, chúng tôi đã ký được hợp đồng.

Yếu tố thứ hai phải chú ý là gây sự sợ hãi cho khách hàng.

Ngày tôi còn đi học trường kỹ sư, thầy tôi có lần đã giảng số đông nhân loại thường cư xử theo độ sợ sệt của họ, và trong cơn lo sợ, bộ máy lý trí, logic không làm việc nữa vì bị cái sợ chi phối. Nói tóm lại, khi sợ thì không còn lý luận nữa, thái độ tránh là hơn trở thành chiến lược. Tất nhiên không thể nào trong cuộc tranh chấp và dẫn lý chỉ đơn giản dùng yếu tố sợ. Tuy nhiên, khi cần, yếu tố này luôn luôn ăn đứt!

Năm 1986, một công ty ở Hàn Quốc rất muốn mua cái turbin 100MW của công ty chúng tôi. Vị chủ tịch công ty đó đã đích thân chọn công nghệ Alstom. Vì kính nể vị chủ tịch của mình nên khi đàm phán, nhân viên của công ty chỉ đòi hỏi về giá chứ không đưa ra yêu cầu gì khác. Và chúng tôi đánh một đòn tâm lý: Alstom chỉ còn vỏn vẹn một turbin 100MW để bán trọn trong năm 86 mà có một công ty bên Ý cũng muốn mua. Công ty Hàn Quốc này đã sợ không mua được chiếc turbin này nên đã ký luôn hợp đồng. Sau khi ký xong, tôi được gặp ông chủ tịch công ty trong một bầu không khí rất tâm đắc! Cả nhân viên cũng vậy, họ đã hết sợ, trông thoải mái ra mặt.

Yếu tố lịch sử phải được coi như là một vũ khí tâm lý quan trọng trong cuộc thương thuyết. Tôi rất thích đọc lịch sử các nước nên đôi khi cảm thấy yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung.

Bạn có biết, trong suốt thời kỳ 1986-1995 tôi đã đi Trung Quốc rất nhiều lần để đưa đoàn vào những cuộc đàm phán tế nhị. Lần nào đọc diễn văn tôi cũng phải nhắc nhở là Tướng De Gaulle với tư cách là Tổng thống Cộng hòa Pháp đã là vị nguyên thủ đầu tiên công nhận Trung Quốc. Đến khi tôi vô tình quên nói đến sự kiện lịch sử quan trọng này, người thông dịch viên cũng tự động dịch, dù bản chính không nói tới! Tất nhiên đó là lý do tại sao nước Pháp đã ký nhiều hợp đồng bên Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ này. Có lúc ở Trung Quốc, công ty của tôi đang yếu thế so với công ty Nhật, thì chúng tôi đã nhắc lại những hành động của Nhật trong lịch sử cận đại tại Trung Quốc, song song với việc điều chỉnh tốt “bài vở” của mình, thì y như rằng ngay ngày hôm sau, nụ cười đã trở lại trong hàng ngũ thương thuyết với chúng tôi.

Khi đàm phán bên châu Âu cũng vậy, khi đối thủ là người Đức thì chỉ cần nhắc phớt qua lịch sử cận đại là ăn tiền. Cạnh tranh là cạnh tranh. Hợp đồng thì phải ký. Có thế thôi!

Yếu tố tâm lý cá nhân cũng đóng một vai trò lớn, bạn ạ. Trong một cuộc thương thuyết về Metro Santiago tại Chile vào năm 1992, ông trưởng đoàn phe Chile có một quá trình cá nhân khá đặc biệt. Cái may là trong công ty của chúng tôi có một kỹ sư đứng tuổi là bạn đồng nghiệp xưa của vị trưởng đoàn này. Tôi liền nhường vai thương thuyết cho anh ta và chỉ giữ trách nhiệm điều hành. Chẳng phải nói, chúng tôi đã đàm phán trong một bầu không khí thân mật, cho phép lướt qua một vài vấn đề tế nhị. Sự lướt qua này không phải là chúng tôi có ý bất chính, mà đó là chỗ yếu của chúng tôi và chúng tôi đã hứa sẽ điều chỉnh.

Và có một yếu tố không thể không nói đến là bẫy tâm lý.

Trong các loại bẫy, hiệu quả nhất là bẫy xuống giá có điều kiện. Trên nguyên tắc, bẫy giống như một quầy bar, từ 4-6 giờ chiều thì bar hạ giá, uống hai chai bia chỉ tính giá một chai… giống như là happy hours vậy (những giờ vui hạ giá).

Vậy thế nào là “happy hours” khi bán một metro hoặc một nhà máy lọc nước? Chỉ khi nào sự cạnh tranh mạnh quá mà hy vọng hơi mong manh thì chúng tôi mới áp dụng chính sách này. Lúc đó, chúng tôi bất thình lình xin nói chuyện với cấp cao bên khách hàng, rằng sẵn sàng xuống giá thêm 10% nhưng với điều kiện mới (ví dụ thời gian xây dựng dài hơn, tiền đặt hàng cao hơn một chút…). Và chúng tôi chỉ cho khách hàng 24 tiếng để quyết định, và sẽ không xác nhận chuyện hạ giá qua văn bản viết.

Bạn ạ, tác dụng mạnh lắm, vì xuống thêm 10% trong một dự án 2 tỉ đô la, là xuống 200 triệu đô la rồi. Nếu là chủ đầu tư, bạn có dám từ chối không?

Cái bẫy này thường đặt các công ty địch thủ trong cuộc đấu thầu vào thế rất khó phản kháng, thứ nhất vì họ bán tín bán nghi, không tin là có thật, cho rằng khách hàng “dọa chơi” vậy thôi, vì không có văn bản viết. Thứ nhì là địch thủ bị đánh du kích, vì không thể nào phản ứng kịp: làm sao bố trí cho một cuộc xuống giá 200 triệu đô la trong vòng 24 tiếng đồng hồ?! Đôi khi hội đồng quản trị phải họp nhiều lần để lấy một quyết định như vậy!

Phía nhà đầu tư dự án, cũng phải phản ứng nhanh, tất nhiên họ sẽ đòi hỏi gia hạn để có thì giờ lấy quyết định, nhưng cuối cùng rất có nhiều khả năng là họ đầu hàng. Thế là cái bẫy tâm lý đã giúp cho bạn từ một thế tuyệt vọng chuyển sang là kẻ thắng thế.

Bẫy hay không bẫy, những yếu tố tâm lý có sức mạnh lay chuyển một thế cờ, thay đổi lòng tin của chủ đầu tư dự án. Điều cần nhấn mạnh là không phương kế nào có thể thay thế chất lượng của sản phẩm, tính cách tinh vi của công nghệ, tinh thần động viên của công ty của bạn. Cũng vì vậy yếu tố tâm lý chỉ giúp thêm mà không thay thế.

Tuy nhiên, nếu yếu về tâm lý, đường đi sẽ nhiều chông gai, cái giá phải trả để đi tới kết quả sẽ rất cao. Thử hỏi làm kinh doanh mà phải trả giá rất cao thì còn đâu là kinh doanh bền vững!

Tác giả: GS.Phan Văn Trường: Cố vấn Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế. Giáo sư quy hoạch và kinh tế phát triển đô thị trường Đại học Kiến trúc TPHCM; cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Hòa Bình; nguyên Chủ tịch Alstom châu Á (1986-1997); nguyên Chủ tịch Lyonnaise des Eaux Việt Nam và Đông Nam Á (1997-2005).

——————-

Đọc bài này thấy phục Giáo sư Phan Văn Trường quá. Người Nhật sử dụng cực kỳ hiệu quả các yếu tố trên để dành đa phần chiến thắng trong các cuộc thương thuyết với công ty tôi. Chỉ có những “nhân vật đương thời” của công ty mới tạo ra những thành công khi thương thảo, nhưng những người này vì xuất sắc nên họ còn nhiều việc phải làm, chỉ có một lũ non mặt yếu bóng vía như chúng tôi ra trận thì quả thật một chiến thắng là một kỳ tích.

Người Nhật, hơn ai hết là người hiểu vấn đề “của rẻ là của ôi” khi làm với Việt Nam, do nhiều áp lực khác nhau, họ vẫn cần làm việc với Việt Nam và họ biết năng lực cũng như chất lượng của Việt Nam như thế nào. Điều thành công của họ là đã tiêm được vào đầu óc lũ tôi một điều “sản phẩm của chúng mày là một đống bầy hầy và tụi tao phải bỏ thêm rất nhiều công sức nữa để hoàn thiện và …” Qua đó, họ đã đánh bại và đưa lũ tôi vào một thế tất bại khi đàm phán bởi vì chính mình cũng không còn tin vào sản phẩm của mình đem bán (vì chúng tôi là người trong chăn thì tất nhiên biết chăn có rận nhiều hay ít). Giờ ngẫm lại, nếu nói đến sản phẩm của người Nhật thì xin miễn bàn về chất lượng, nhưng nói đến sản phẩm của một đám vây quanh như Trung Quốc, Ấn Độ hay những công ty trong nước khác thì thật sự sản phẩm của chúng tôi cũng có thứ hạng chứ không phải không. Và điều quan trọng là chúng tôi luôn luôn cầu tiến để có được sản phẩm tốt hơn! Nhất thiết phải chiến thắng được điểm này khi thương thuyết!

Điều thứ hai người Nhật sử dụng thành thạo là gây sự sợ hãi cho khách hàng! Họ luôn rêu rao trên cửa miệng khi thương thuyết là muốn tạo mối quan hệ “win-win”. Nhưng thực chất họ luôn lấy tư thế “xe lớn đè xe con” để đàm phán. Bởi vì. nếu không có dự án thì cả mấy chục quân lính tinh nhuệ sẽ thành mấy chục cái tàu há mồm ăn bám người khác và chẳng mấy chốc những kiêu binh đó vì danh dự và tự trong của mình sẽ tự tan rã. Bởi vì nếu không lấy được dự án thì doanh thu của chúng ta không đạt, thưởng cuối năm sẽ thấp… thế nên lũ tôi lại tự đặt mình vào một vị trí tất bại khác khi đặt rất nặng vấn đề “được” mà không dám chuẩn bị tâm lý để có thể “mất”!

Nhưng cũng phải kể là chúng ta có một lợi thế và cũng sử dụng khá hiệu quả đó là xuống giá có điều kiện. Chỉ khổ cho anh em ở nhà thôi!

————

Nguồn “Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Bình luận về bài viết này

Sai lầm đã qua…

Một bài viết khá hay của tác giả jacquesmattheij về những sai lầm trong quá trình điều hành công ty của mình được giới thiệu trong newsleter của Codeproject. Bài viết này là lược dịch – tức là chỗ dể thì dịch, chỗ nào khó ta cho qua :-). Bài gốc tiếng Anh: “Mistakes I’ve made, and what you might be able to learn from them”

Đã 25 năm nay, tôi điều hành nhiều công ty của riêng mình, tại lúc cao điểm, công ty của tôi (TrueTech) có khoảng 20 nhân viên (chính thức và làm việc bán thời gian) và các cộng tác viên. Đó là một hành trình dài, nhiều thú vị. Đến bây giờ, nhìn lại những thời điểm căng thẳng, tôi đã ước gì mình không phạm phải những sai lầm như vậy. Một số chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể, nhưng cũng có một số để lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi muốn nêu ra đây một vài sai lầm nổi bật và hy vọng bạn không gặp phải sau này.


1/ Tôi khá cả tin và hay tin lời người khác nói
Tôi không có thói quen xác minh lời người khác nói có đúng hay không. Tôi trưởng thành từ một môi trường đơn giản, nơi mà hầu hết mọi người đều nói sự thật. Do đó, tôi tự động xem mọi lời người khác nói đều đúng (điều này đã ăn sâu vào tiềm thức đến bây giờ).

Đấy là một điểm yếu nghiêm trọng và tôi đã phải trả giá cho nó một vài lần. Theo thời gian, đặc biệt trong vòng 15 năm trở lại đây, tôi đã biết được nhiều mánh khóe trong toan tính của đối phương, cũng như nhận ra mục đích của họ khi lừa lọc kiếm lời.

Tôi đã học được nhiều để nhận ra những điểm không nhất quán trong lời nói của người khác để hạn chế cho mình đến mức tối thiểu tình cảnh bị người khác lừa đảo. Nhưng nếu có ai đó tìm đến tôi với một câu chuyện thương tâm, tôi vẫn rất mau mủi lòng giúp đỡ cho dù nhận thấy đây là một trường hợp cần phải thận trọng.

Tôi đã phải trả giá cho những sai lầm kiểu này trong nhiều năm và chính chúng đã làm biến đổi tôi thành một người thận trọng hơn là bản chất của tôi vốn thế.

2/ Tôi hay đánh giá người khác qua tiềm năng của họ mà không phải là thực tế công việc
Hầu hết mọi người chỉ có thể làm được một phần những gì họ có khả năng làm – theo lý thuyết.

Vấn đề của tôi là khi xem xét một nhân viên tiềm năng hay một đối tác, tôi có khuynh hướng đánh giá họ có thể làm được gì mà không phải chính xác những điều họ nói họ có thể làm được thực tế.

Nó giống như khi bạn nhìn vào một chiếc xe thể thao, nó khả năng chạy 300km/ giờ. Nhưng thực tế, nó chẳng thể nào chạy được như vậy vì điều kiện đường xá, xe cộ lưu thông, vì phải đổ xăng định kỳ… Do đó, bạn phải điều chỉnh mức độ kỳ vọng của mình theo tình hình thực tế, nhưng tôi lại rất dở ở khoảng này.

Nếu làm tốt điều này, tôi đã có thể dự đoán trước được các rủi ro của những người xung quanh ảnh hưởng đến dự án với độ chính xác cao hơn, có thể ngăn chặn các vấn đề xảy ra và ước tính chính xác mình trông đợi người khác hoàn thành công việc của họ như thế nào.

3/ Tôi ủy quyền quá ít hoặc quá nhiều.
Điều này có lẽ là thiếu xót lớn nhất của tôi. Khi ủy quyền, hoặc là tôi giao hết mọi việc cho người khác cho đến khi nhận được là một hồi bi kịch hay ngược lại, tôi dành hết thời gian lao vào hì hục giải quyết vấn đề một mình. Điểm tốt nhất là ở đâu đó giữa hai thái cực trên, nhưng tôi chưa tìm thấy.

Qua nhiều năm, chính thiếu xót này đã làm cho cuộc sống của tôi, của nhân viên và cả đối tác tệ đi mặc dù đã có thể làm tốt hơn nhiều. Tin tưởng và kiểm soát là điều tôi đã nhận ra khi quá muộn. Tôi đã sai lầm khi giao sổ sách cho kế toán trong vòng 3 tháng mà không kiểm tra, để rồi quá muộn khi nhận ra rằng tiền lương ba tháng của công ty đã nướng hết trong một sòng bạc. Hay là lên gân với một lập trình viên mới tinh vì không đồng ý những gì anh ta đã làm để nhiều năm sau nhận ra rằng có thể dùng nhiều cách để giải quyết vấn đề.

Thật khó cho tôi để “buông tay” cho người khác thực hiện và chấp nhận người khác sẽ giải quyết công việc không giống với cách của mình nhưng vẫn đủ đáp ứng được nhu cầu.

4/ Tôi là một người làm việc độc lập.
Khi nói đến công việc, tôi có thể làm nhiều thứ, từ điện tử, phần mềm, thợ cơ khí hay thợ mộc… Các lãnh vực kỹ thuật tôi đều có thể nhúng tay vào, tuy không giỏi nhưng cũng đủ để trở thành một nhân viên nào đó. Điều đó có nghĩa là tôi làm khá tốt mọi việc trừ một vài lãnh vực mà tôi hoàn toàn mù tịt, trên hết, tôi là một đọc giả tham lam và hầu như nhớ hết mọi điều đã đọc.

Toán học cao cấp và thiết kế là hai lãnh vực tôi không có tí năng khiếu nào trong trường, cũng tương tự là quản lý con người sau này. Kết quả là tôi cảm thấy khá hài lòng với mô hình công ty một người và hoàn toàn không được chuẩn bị tí nào khi nó lớn lên và có nhiều người hơn.

Tôi đã ao ước rằng mình được “trường đời” ép buộc tôi phải làm việc thường xuyên hơn với nhiều người trong cùng một nhóm, đầu tiên là một thành viên, rồi thành trưởng nhóm… qua đó sẽ chuẩn bị tốt hơn cho việc quản lý sau này. Những kinh nghiệm làm việc một mình đã không giúp gì tôi trong việc thiết lập mối quan hệ với các nhân viên khi công ty phát triển. Tôi chỉ thuần là một con người kỹ thuật và không hề chuẩn bị gì cho việc phụ trách quản lý một công ty, tôi cũng đã trưởng thành nhưng rất khiên cưỡng.

Bây giờ tôi đã quay trở lại nền tảng độc lập (hay chính xác hơn là chỉ với một đối tác) và cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Cho đến khi cảm thấy đã học tập đầy đủ hơn để có thể lớn mạnh lần nữa.

5/ Tôi có rất nhiều năng lượng, nhưng người khác thì không thế.
Đó là một mặt khác của vấn đề “kỳ vọng” vào người khác. Tôi có thể làm việc với cường độ cao, nhưng những người như vậy rất hiếm gặp, thông thường, mọi người có thể làm việc tập trung trong một khoảng thời gian ngắn rồi sau đó sẽ trở lại mức thông thường.

Tôi lúc nào cũng đang làm một cái gì đó, tôi thực sự không thể ngồi yên quá 3 phút mà không tìm cho mình một việc để làm – trừ khi xem phim hay đọc sách – mà về một khía cạnh khác cũng có ý nghĩa là đang hoạt động. Trong tiềm thức, tôi cũng trong đợi người khác như mình, và thấy rất ngạc nhiên khi người khác mệt mỏi và ngồi thừ ra trước TV hay đơn giản là không làm gì cả.

Do đó, tôi có xu hướng thúc mọi người cùng hoạt động, họ cũng đã cố gắng và chẳng mấy chốc lại từ bỏ. Có lẽ tôi nên phải làm chậm mình lại để hòa nhịp cùng mọi người và giữ nhiệt huyết cho riêng bản thân mình.

6/ Tôi chỉ có thể tập trung ngắn hạn.
Thật khó để tôi có thể tập trung vào một điều tương tự trong một thời gian dài. Điều này bắt đầu từ khi còn nhỏ, tôi chơi một món đồ chơi mới chỉ trong 10 phút, sau đó bắt đầu tháo nó ra từng mảnh để xem xét bên trong nó như thế nào. Và phải mất một thời gian dài trước khi tôi có đủ kỹ năng để lắp nó lại như cũ..

Cho đến giờ tôi vẫn còn thói quen này, tôi học rất nhanh chóng, nhưng sau khi đã nắm những bí ẩn bên trong tôi lại nhanh chóng rời đi. Nhưng nếu cho tôi một câu đố nan giải, tôi có thể dùng cả đời cho nó. Ngoại lệ đó là trò chơi Lego, điện tử (nơi tôi có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu từ những thành phần cơ bản) và lập trình.

Tôi đã rất khó khăn để vượt qua xu hướng này. Và chắc chắn tôi đã trả giá nhiều năm để cuối cùng phát hiện ra mình không hay rất ít hứng thú với việc điều hành một công ty.

7/ Tôi là người trực tính.
Khi tôi thấy điều không vừa ý tôi hay nói thẳng, ngoại giao chắc chắn không phải là thế mạnh của tôi. Không phải ai cũng có thể đối diện với điều này, và ngay cả khi tôi đã rất có gắng để kiểm soát mình thì tôi cũng cảm thấy rất khó khăn để kiềm nén cảm xúc, nhất là khi tôi mọi người không đối xử tốt với người khác. Điều này chẳng khác nào một cơn bão cấp 7 đổ bộ bất ngờ. Mặc dù tôi biết rằng rèn luyện điều hướng cảm xúc sẽ làm cho mọi việc tốt hơn rất nhiều so với việc thổi tung mọi thứ bằng những lời chỉ trích. Tôi đã gây căng thẳng các mối quan hệ với những người có liên quan đến công việc kinh doanh của mình không chỉ một lần


Tôi chịu trách nhiệm cho những thiếu xót mà mình đã gây ra, không liên quan đến việc có bị ảnh hưởng của người khác hay không. Nếu có điều gì đó có thể làm tốt hơn nhưng tôi đã không làm, tôi rất tiếc về điều đó. Tôi hy vọng tôi có thể cải thiện thông qua những sai lầm đã mắc phải để không gặp lại một lần nữa trong tương lai.

Tôi cũng hy vọng qua bài viết này, đọc giả cũng sẽ tránh được những điểm mà tôi đã mắc phải trong quá khứ.


Bình luận về bài viết này

Sức mạnh của người hướng nội

Tôi thích được làm việc với một sếp là người hướng nội trong những công việc bình thường. Họ kỹ tính, làm được việc, nói năng nhỏ nhẹ và ít làm phật lòng ai… tóm lại là tạo áp lực cho tôi giỏi lên nhưng ít gây stress cho tôi. Nhưng khi có vấn đề xảy ra, đa phần những nhà lãnh đạo hướng nội không thể đưa ra những quyết định sống còn một cách nhanh chóng, do đó lại hay để vuột mất những cơ hội tốt… Theo tôi, trong một tổ chức, để những nhà lãnh đạo hướng ngoại dẫn đầu và những nhà lãnh đạo hướng nội làm phó tướng, hay là “phanh hãm” là tuyệt vời nhất!

Abraham Lincoln, mẹ Teresa, Martin Luther King, Harry Truman, John Rockerfeller, Bill Gates, Warren Buffet, Steven Spielberg, Barrack Obama…

Bạn có biết đâu là điểm chung của những nhân vật này? Họ đều là những nhà lãnh đạo tài ba, những vị lãnh tụ xuất chúng? Đúng, nhưng một câu trả lời đầy đủ hơn sẽ bao gồm cả việc họ đều là những người hướng nội!

Nhận diện một người hướng nộiTheo các khảo sát, những người hướng nội và hướng ngoại thường khác nhau ở những đặc điểm cơ bản được liệt kê trong bảng bên dưới (*).

Có nhiều ý kiến cho rằng trong môi trường kinh doanh năng động ngày nay, tính cách hướng nội là một nhược điểm lớn khiến con người không được đánh giá cao. Tuy nhiên, các số liệu thống kê lại chỉ ra rằng có khoảng 50% dân số thế giới và 40% các nhà lãnh đạo là những người hướng nội, sống nội tâm.

Tiến sĩ Kahnweiler, một người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tư vấn và phát triển tổ chức, cho biết tính cách hướng nội không những kiểm soát được mà còn có thể trở thành một nguồn sức mạnh to lớn.

Bên cạnh những nhược điểm như ngại nói trước đám đông hay không giỏi xây dựng các mối quan hệ, tính cách hướng nội lại có những ưu điểm lớn là khả năng lắng nghe và viết lách. Điểm mấu chốt nằm ở thái độ và cách nhìn nhận của mỗi cá nhân đối với vấn đề này.

Vậy các nhà lãnh đạo tài ba nhìn nhận và phát huy tính cách hướng nội của họ như thế nào để thành công?

Biến sự tĩnh lặng thành sức mạnh

Vì sao những người hướng nội lại là những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất?

Câu trả lời là họ biết khai thác các thế mạnh mà những người hướng ngoại không có.

Dưới đây là năm đặc điểm then chốt giúp các nhà lãnh đạo nội tâm phát huy được thế mạnh của mình và vươn tới thành công.

Nghĩ trước khi nói. Những nhà lãnh đạo nội tâm luôn luôn suy nghĩ trước khi nói ra một điều gì đó. Ngay cả trong các cuộc đối thoại thân mật thường ngày, họ luôn xem xét ý kiến của những người khác một cách cẩn trọng, sau đó dừng lại để suy nghĩ trước khi trả lời.

Một giám đốc điều hành nọ kể rằng khi lắng nghe ý kiến đề xuất từ nhóm điều hành của mình, ông thường chỉ ngồi yên lặng vì điều đó giúp ông nghĩ thêm được những ý tưởng mới. Nhìn chung, những người sống nội tâm đều có cùng một đặc điểm: họ học hỏi từ việc lắng nghe chứ không học từ việc phát biểu. Phong thái điềm tĩnh và ung dung khiến lời nói của họ có sức nặng và đáng để lắng nghe. Có một thực tế là một lời nhận xét tinh tế cũng đủ để đưa cả cuộc họp tiến một bước dài. Thêm vào đó, trong kinh doanh, những lời nói hớ thường phải trả giá rất đắt.

Tập trung vào chiều sâu. Các nhà lãnh đạo nội tâm thiên về chiều sâu nhiều hơn bề rộng. Họ có xu hướng đào sâu, tìm tòi, nghiền ngẫm thấu đáo một vấn đề rồi mới chuyển sang vấn đề khác. Họ thích tham gia vào những cuộc đối thoại nghiêm túc hơn là những cuộc tán gẫu vô thưởng vô phạt. Họ thường đưa ra những câu hỏi sâu sắc rồi chăm chú lắng nghe câu trả lời.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, bà Deborah Dunsire, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Millennium, một công ty dược phẩm lớn có trụ sở tại Cambridge, cho biết: “Tôi không chỉ thực hiện các cuộc khảo sát trong nội bộ công ty và tổ chức các cuộc họp lớn mà còn thường xuyên đi thăm các phòng ban. Tôi chỉ chào hỏi những câu thông thường như: Này, sao anh hay về trễ thế? Chị đang làm gì vậy? Hiện tại anh thích làm công việc nào nhất? Chị thấy chúng ta cần cải tiến thêm những lĩnh vực nào?…”.

Bà Dunsire khẳng định những cuộc chuyện trò nghiêm túc kiểu này giúp các nhà quản lý tìm hiểu chính xác tình hình tổ chức và giữ chân những tài năng ưu tú. Thực tế cho thấy kiểu chuyện trò như vậy là sở trường của những nhà lãnh đạo nội tâm.

Có thừa sự bình tĩnh. Các nhà lãnh đạo nội tâm thường điềm đạm. Họ thường thể hiện sự điềm tĩnh trước mọi cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn Tổng thống Obama. Ông luôn nói năng nhẹ nhàng và từ tốn, gần như không bao giờ nôn nóng. Những nhà lãnh đạo hướng nội khác cũng vậy. Trong bất cứ cuộc họp, trước một bài phát biểu hay sự kiện quan trọng nào, bí quyết thành công của họ chỉ gói gọn trong một từ: chuẩn bị. Họ thường lên kế hoạch chi tiết và viết sẵn câu hỏi ra giấy. Đối với những cuộc họp quan trọng, họ diễn tập kỹ càng từ trước. Thậm chí họ còn tự đóng vai một nhân vật nào đó. Một giám đốc điều hành kể rằng ông ta đã từng tưởng tượng mình là James Bond trước khi tham dự một cuộc hội thảo công nghiệp lớn. Điều đó khiến ông cảm thấy tự tin và điềm tĩnh hơn.

Các nhà lãnh đạo nội tâm còn chuẩn bị tinh thần bằng cách không nghĩ về những gì tiêu cực mà chỉ hình dung về những điều sắp xảy ra một cách tích cực. Trước mỗi sự kiện lớn, Bob Goodyear, một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Atlanta, thường tự nói với bản thân rằng: “Tôi có thể làm mọi việc chỉ trong 30 phút”.

Viết nhiều hơn nói. Các nhà lãnh đạo nội tâm thích viết hơn nói. Họ dễ dàng diễn đạt suy nghĩ của mình bằng việc viết ra giấy. Mặt khác, việc viết lách giúp họ khai thác sức mạnh truyền thông của các trang mạng xã hội hiện nay, từ đó kết nối hiệu quả với nhân viên, khách hàng và đối tác của mình. Chẳng hạn, khi sử dụng Best Buy’s Blue Shirt Nation, một trang mạng xã hội nội bộ của nhân viên tại các cửa hàng bán sản phẩm của Best Buy, các nhà quản lý và các đại lý liên kết của hãng có thể liên tục cập nhật tình hình nhân viên của họ.

Trong giới kinh doanh hiện nay đang lưu truyền câu chuyện về một giám đốc tài chính có thói quen viết blog (nhật ký trên mạng) hàng ngày. Trong một trang nhật ký gần đây, ông ta đã miêu tả chi tiết cách luyện tập để có được một bài diễn thuyết hay. Bằng việc viết bài chia sẻ như thế, ông đã đạt được cả hai mục tiêu. Một mặt, ông cho mọi người thấy mình là một nhà lãnh đạo cởi mở và chân thành. Mặt khác, kinh nghiệm được ông chia sẻ là một tài liệu huấn luyện tuyệt vời cho hàng ngàn nhân viên.

Đam mê sự tĩnh lặng. Các nhà lãnh đạo nội tâm thường nạp năng lượng cho bản thân bằng cách ngồi một mình. Công việc khiến họ chịu nhiều áp lực nên việc tự “sạc pin” thường xuyên là vô cùng cần thiết. Những quãng thời gian nghỉ ngơi như vậy tuy ngắn ngủi nhưng có thể giúp họ lấy lại khả năng tư duy sáng suốt, óc sáng tạo, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn. Đặc biệt khi áp lực lên cao, tính cách hướng nội giúp họ phản ứng một cách tích cực thay vì tiêu cực. Tất cả những điều này giúp các nhà lãnh đạo nội tâm hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất và đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.

Những phân tích trên có thể giúp ích cho các nhà quản lý và những người làm việc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, tài chính, đặc biệt là phụ nữ làm việc trong những ngành nghề mà đàn ông chiếm ưu thế. Hãy biết tận dụng tối đa tố chất bẩm sinh của bản thân để tiến xa hơn, khai thác triệt để các mối quan hệ cũng như gia tăng giá trị cho tổ chức của bạn!

(*)Theo cuốn Nhà lãnh đạo hướng nội: xây dựng sức mạnh từ sự tĩnh lặng của TS.Jennifer Powell.
Nguồn “Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


1 bình luận

Chăm sóc hoa cắt cành

Chăm sóc hoa sau khi cắt và giữ chúng tươi là một quá trình khoa học. Thân sau khi cắt nên được đưa vào trong nước ngay lập tức vì không khí có thể tràn vào các mô và tế bào ngăn cản việc vận chuyển nước. Đó cũng là vì sao khi một bông hoa cắt cành cho ra khỏi nước một vài phút phải được cắt bỏ một phần thân để hoa có thể hút nước khi cắm lại vào trong chậu. Cắt hoa có thể thực hiện trong nước để đảm bảo không khí không tràn vào thân. Ngoài ra, có thể dùng thêm những mẹo sau để tăng cường bảo quản hoa cắt cành

  • Nên dùng thường xuyên các chất bảo quản hoa làm tăng tuổi thọ của hoa. Chất bảo quản hoa là một hỗn hợp chất sucrose (đường); acidifier (chất acid hóa), chất ức chế vi sinh vật; chất ức chế hô hấp.
  • Để giúp các chất bảo quản hoa làm giảm quá trình phát triển của vi sinh vật quanh bông hoa, thường xuyên làm sạch lọ cắm hay đồ chứa.
  • Loại bỏ tất cả phần lá bên dưới mặt nước, chúng rất dễ bị phân hủy. Nhưng đừng tuốt gai của hoa hồng, hoa có xu hướng giảm tuổi thọ khi mất gai.
  • Đặt hoa đã cắt vào chỗ lạnh trong 1 đến 2 giờ. Việc giữ hoa trong môi trường lạnh sẽ giảm bớt việc mất nước.
  • Có một quy trình gọi là “Làm cứng” để đảm bảo tối đa việc hút nước (uptake): người ta cho các cành đã cắt vào trong nước 43 độ Celcius (110 độ Farenheit – cộng thêm chất bảo quản).
  • Kiểm tra mực nước của lọ hoa hay đồ chứa hàng ngày, đảm bảo châm nước chứa chất bảo quản khi cần.
  • Để hoa nơi thông gió. Tránh ánh mặt trời chiếu trực tiếp và chuyển vào trong mát vào ban đêm
  • Trưng bày hoa ở những nơi lạnh, tránh những nơi nóng hay thải ra khí nóng (lò sưởi, quạt nóng, thùng tivi…).
  • Không chứa trái cây và hoa chung với nhau. Táo sản sinh ra khí ethylene, một hormone gây lão hóa ở hoa..
  • Việc cho thêm thuốc aspirin, rượu, đồng xu vào lọ hoa không làm cho chúng tươi lâu hơn.
  • Sử dụng nước sạch, ấm cho hầu hết các loại hoa. Sử dụng nước lạnh cho các loại hoa có dạng búp như Thủy tiên, Lan dạ hương hay Uất kim hương.
  • Sử dụng dụng cụ sạch và sắc bén (đừng nên dùng kéo vì nó có xu hướng làm dập thân hoa). Hoa tốt nhất nên được cắt với dao bén (không có răng cưa).
  • Tỉa cành bằng cách dùng dao – đừng bứt cành và lá ra khỏi thân cây có thể gây tổn thương cho thân.
  • Thời gian tốt nhất để cắt hoa là sáng sớm hay chiều tối khi khí trời còn lạnh. Buổi sáng là tốt nhất vì cây đầy đủ chất dinh dưỡng và các bông hoa đều tỏa hương.

Khi không có thuốc bảo quản

  • Dùng 1 phần nước chanh soda (không phải loại ăn kiêng) vào 3 phần nước. Với mỗi lít dung dịch trên dùng 1/4 muỗng trà thuốc tẩy. Sau đó, cứ thêm 1/4 muỗng trà thuốc tẩy sau 4 ngày sử dụng.
  • Với một lít nước, thêm 2 muỗng (tablespoon) nước chanh tươi, 1 muỗng (tablespoon) đường, và 1/2 muỗng trà thuốc tẩy.
  • Cho khoảng 60g nước xúc miệng trên 4.5 lít nước (2 ounces/gallon). Listerine chứa đường và bactericide, được xem như 1 loại acid và có thể giúp hoa hút nước.